Cửu Dung

Chương 19: Q.1 - Chương 19: Trường ca còn đương khóc (1)






Thẩm Hồng không gặp chuyện gì, có lẽ Bảo Bảo vốn đứng trong đám người vây xem, nhìn thấy Thẩm Tề muốn kiểm tra dây thừng, trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, cô bé cố ý ra vẻ như chạy đường xa đến, lấy cớ bệnh tình Thẩm Hồng trở nên nghiêm trọng, cứu mạng Liễu Vũ Tương và Tiêu Tiêu.

Trở lại Thẩm gia, Thẩm Hồng quả thật không có gì đáng ngại. Hơn nữa chàng vốn hôn me bất tỉnh thì hiện giờ đã tỉnh lại, còn thều thào đòi uống nước. Bọn hạ nhân vội vàng vây quanh, Lão phu nhân thì không ngừng niệm “A Di Đà Phật”, chỉ e Thẩm Hồng có dấu hiệu hồi quang phản chiếu [1].

[1] Là giấu hiệu mà trước giây phút đối mặt với sinh – tử, con người thường bỗng trở nên khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường. Người xưa đã quan sát thấy hiện tượng đó và gọi nó bằng cái tên hồi quan phản chiếu.

Không bao lâu sau, Thẩm Tề và Khánh thúc dẫn về một đại phu. Đại phu kia hơn bốn chục tuổi, râu ba chỏm, thoạt nhìn có dáng dấp tiên phong đạo cốt. Lão phu nhân nói: “Bạch đại phu bình thường vẫn xem bệnh cho Hồng Nhi đâu rồi? Vị đại phu này là…?”.

Thẩm Tề vội nói: “Khởi bẩm Lão phu nhân, không biết vì sao mà y quán Bạch gia đóng chặt cửa, gọi nửa ngày cũng không ai ra mở. Dưới tình cảnh bất đắc dĩ, nhi tử đành phải cùng với Khánh thúc đến ‘Hòa Nhân đường’ mời Lệnh Hồ đại phu. Hòa Nhân đường là y quán tốt nhất nội thành Duy huyện, y thuật của Lệnh Hồ đại phu cũng nổi danh thiên hạ, xin Lão phu nhân yên tâm”. Khánh thúc cũng phụ họa nói phải. Lúc này Lão phu nhân mới gật đầu, xem như đồng ý.

Sau một hồi lâu xem mạch cho Thẩm Hồng, Lệnh Hồ đại phu kia mới khom người nói: “Lão phu nhân, xin thứ cho lão phu kém cỏi. Vẫn nên mời bậc cao minh khác đi”.

Lão phu nhân nghe vậy, mặt liền biến sắc, hoảng loạn nói: “Chẳng lẽ là… Chẳng lẽ thật sự không chữa được ư?”.

Lệnh Hồ đại phu lắc đầu đáp: “Cũng không hẳn. Chẳng qua lão phu thật tình không khám ra được quý công tử mắc chứng bệnh gì mà suy yếu tới tình trạng ngày hôm nay. Lão phu nhân, xin thứ lỗi, lão phu y thuật nông cạn, thật sự đã bất lực”.

Lão phu nhân trong chốc lát đã ầng ậng nước mắt, bà nói: “Thân thể Hồng Nhi của ta vốn rất khỏe mạnh, nhưng mà từ bốn năm trước, sau một cơn bệnh nặng thì ngày nào đêm nào cũng ho ra máu. Mấy ngày sau đó tuy không ho ra máu thêm nữa, nhưng thân thể liền thành ra dáng vẻ như hiện giờ. Đại phu y thuật cao minh, xin cứu lấy Hồng Nhi của ta. Ta nhất định sẽ hết lòng mang ơn”.

Lệnh Hồ đại phu nghe nói thế thì thở dài liền mấy hơi, nhấc bút lên kê một toa thuốc, đặt vào tay Lão phu nhân rồi lắc đầu bảo: “Lão phu nhân, lão phu hành nghề y xem bệnh hơn hai chục năm, gặp qua vô số chứng bệnh nan giải. Có điều bệnh trạng giống như quý công tử thì vẫn là lần đầu tiên nhìn thấy. Ta tạm thời kê toa thuốc này, nếu bệnh của công tử có thể khởi sắc thì đó là công đức tạo hóa bao đời nhà họ Thẩm, lão phu tuyệt không dám kể công. Còn nếu không có công hiệu, cũng xin Lão phu nhân chớ trách móc”.

Lão phu nhân vội rối rít tạ ơn, lại phái Khánh thúc lấy tiền khám bệnh rất hậu ra đưa cho Lệnh Hồ đại phu, tiễn ông trở về.

Lão phu nhân giao toa thuốc cho Thẩm Tề, căn dặn hắn mau đi đến hiệu thuốc bốc thuốc cho Thẩm Hồng.

Tôi tiến lên thưa chuyện: “Lão phu nhân, chi bằng để con và Minh Nguyệt Hân Nhi đi bốc thuốc cho. Lúc Cửu Dung ở nhà cũng từng đọc một ít sách về y dược, đối với việc khống chế lượng thuốc và điều chế thuốc ra sao có lẽ có thể nắm chắc hơn. Vậy thì, hy vọng tướng công khỏi bệnh cũng lớn hơn một chút”.

Lão phu nhân nghe vậy, nghĩ một lát, như hiểu ra dụng ý của tôi, liền chậm rãi nói: “Đã là như thế thì cứ theo lời Cửu Dung nói đi”.

Tôi nhận toa thuốc từ tay Thẩm Tề, đưa Minh Nguyệt Hân Nhi đi theo, trước khi đi còn dặn đi dặn lại Bảo Bảo phải chăm nom Thẩm Hồng cho kỹ, một khắc cũng không được rời, sau đó mới cùng Minh Nguyệt Hân Nhi ra phố.

Vừa ra phố, tôi cũng không vội tới hiệu thuốc ngay, mà đưa Minh Nguyệt Hân Nhi đang than thở không thôi đến “Tiệm trầm hương Trần Ký”. Cửa tiệm bán trầm hương này do một người huynh đệ thân thiết cùng đánh bạc với cha tôi mở. Người nọ tên là Trần Đại Khai, mặc dù là dân cờ bạc, nhưng tính tình lại cực kỳ trượng nghĩa hào hiệp.

Cha tôi quả nhiên ở đó. Sắc mặt của ông cũng rất ủ rũ.

Tôi trông thấy ánh mắt ông thì lòng chùng xuống, song trên mặt vẫn không lộ chút cảm xúc nào, hỏi: “Cha, mọi chuyện lo liệu thế nào rồi?”.

Cha tôi buồn rười rượi, chỉ lên trên giường lò [2], nói: “Tự con xem đi”. Trên giường có một người đang nằm, đắp chăn rất dày. Tôi lật lên nhìn thì thấy dưới tấm chăn bỗng đâu lại là người nuôi ong Tiêu Tiếu. Hai mắt y nhắm nghiền, lồng ngực khẽ phập phồng, hiển nhiên là còn sống. Minh Nguyệt Hân Nhi nhìn thấy Tiêu Tiêu thì kêu oai oái, gào miết: “Gặp quỷ, gặp quỷ rồi”. Tôi nghiêm mặt trừng mắt nhìn con bé, con bé mới dừng lại.

[2] Một loại giường của người phương Bắc Trung Quốc, xây bằng gạch, bên dưới có đốt lửa cho ấm mà ngủ.

Tôi biết có hỏi cha thì cũng không rõ được nguyên cớ, thế nên mới hỏi Trần Khai thúc: “Thúc à, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Đại thiếu phu nhân đâu?”.

Trần Khai thúc kể lại đầu đuôi một lần tôi mới biết quá trình của sự việc. Muốn nói những điều này, thì phải bắt đầu từ buổi sáng tôi mật đàm với cha hôm đó.

Sáng sớm, tôi bảo Minh Nguyệt Hân Nhi gọi cha tôi tới, để ông và Trần Khai thúc trốn vào trong rừng cây cạnh bờ sông Bạch Lãng trước khi xảy ra chuyện. Đợi đến khi Liễu Vũ Tương và người nuôi ong Tiêu Tiếu bị ném xuống giữa sông, cha tôi và Trần Khai thúc sẽ lặn xuống, cứu hai người bọn họ. Còn tôi, mượn danh thay Thẩm gia trách mắng Liễu Vũ Tương, chủ động đề xuất muốn trói dây thừng. Lúc này, tôi cố ý nói dây thừng trói tay hai người Liễu Vũ Tương quá nhỏ, thừa cơ lúc đổi dây thừng to hơn thì thắt nút dây theo kiểu dải rút. Còn dây thừng trói trên người bọn họ, tuy bề ngoài thoạt nhìn có vẻ dày đặc rối rắm, song trên thực tế cũng chỉ là nút dải rút thắt khéo mà thôi, chỉ cần dùng sức kéo một cái là đã tung ra rồi. Lúc tôi trói Liễu Vũ Tương và Tiêu Tiếu còn nhét vào lòng mỗi người họ một con dao, cũng nói với bọn họ rằng: “Dây thừng thắt kiểu dải rút, có thể bung ra, dùng dao cắt rọ lợn trốn đi, nhất thiết đừng để chìm xuống lòng sông, sẽ có người cứu hai người lên bờ”. Lúc nói với Liễu Vũ Tương, tôi còn bỏ thêm một câu: “Lạc Lạc đã thu dọn xong đồ đạc chờ tỷ ở Tây Đãng khẩu, tương lai còn dài, giữ được tính mệnh, oan tình ắt có thể giải”.

Sau khi Liễu Vũ Tương và Tiêu Tiếu bị ném xuống sông, cha tôi và Trần Khai thúc thừa dịp hỗn loạn lập tức nhảy xuống sông từ một chỗ khác, tới cứu hai người. Nhưng bọn họ chỉ phát hiện ra Tiêu Tiếu cắt rọ lợn vùng thoát. Lúc ấy, Tiêu Tiếu đã lâm vào tình trạng hôn mê, vì kỹ năng bơi của y không tốt, chỉ biết mỗi kiểu bơi chó đơn giản nhất. Về phần Liễu Vũ Tương, cha tôi và Trần Khai thúc tìm rất lâu cũng không thấy. Đành phải trở về trước.

Bọn họ nói như thế, lo lắng của tôi lại giảm đi rất nhiều. Tiêu Tiếu không biết bơi mà còn trốn được. Trước khi gả vào Thẩm gia, Liễu Vũ Tương vốn là con nhà ngư dân sống trên sông nước, nếu muốn trốn đi, đương nhiên càng dễ dàng. Vì thế, tôi xin Trần Khai thúc phái người đến Tây Đãng khẩu xem sao.

Qua chừng nửa canh giờ, người Trần Khai thúc phái đi trở về nói: “Không phát hiện ra bất cứ ai ở Tây Đãng khẩu”. Tôi thở dài, chỉ mong trời xanh phù hộ Liễu Vũ Tương không xảy ra điều bất trắc.

Sau khi ra khỏi “Tiệm trầm hương Trần Ký”, tôi đến hiệu thuốc bốc thuốc đúng theo toa, cũng cẩn thận hỏi người làm ở hiệu thuốc cách sự dụng và hiệu quả trị liệu của từng loại thuốc, mới trở về Thẩm phủ.

Thuốc do đích thân tôi sắc. Sau khi biết chuyện tôi cứu Liễu Vũ Tương, Minh Nguyệt Hân Nhi luôn dùng ánh mắt hết sức tôn sùng nhìn tôi, lại thêm trước đó con bé mắng tôi vì hiểu nhầm, trong lòng áy náy ân hận nên ân cần giúp đỡ tôi làm hết việc nọ đến việc kia. Cứ như vậy, tôi liền có thể thường xuyên ở trong phòng thuốc.

Bất ngờ chính là sau khi uống thuốc, trạng thái tinh thần của Thẩm Hồng không những không cải thiện chút nào, mà lúc nửa đêm còn trở nên điên cuồng hơn. Chàng lăn lộn liên tục trên giường, khàn giọng kêu rên, tựa như nỗi đau khổ, khổ sở khó chịu nhất trên trần gian. Cũng may, cơ thể chàng vô cùng yếu ớt, giọng nói khàn khàn gần như không kêu ra tiếng nên mới không khiến người khác chú ý. Trong thời gian hơn một canh giờ chàng lăn qua lăn lại, chăn nệm đều bị xé rách. Tôi thật sự không thể tưởng tượng nổi, một người thoạt nhìn bệnh tật vô phương cứu chữa lấy đâu ra sức lực như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.