Dạo Chơi Đất Kinh Kỳ

Chương 3: Chương 3: Vị trí






Vương Hi dửng dưng gật đầu.

Người không hợp thì thay thôi.

Cơ mà đây là chuyện của phủ Vĩnh Thành hầu, không liên quan đến nàng.

Nàng không xen vào.

Về chuyện đồ ăn, nàng là người biết yêu bản thân, thế nên đã tìm cho mình hai đầu bếp biết làm món Tứ Xuyên.

Nhưng thiện ý của hầu phu nhân thì nàng nhận được. Nàng sai đại a hoàn Bạch Chỉ - đứa chuyên lo việc trông coi y phục trang sức đi lấy vòng vàng khảm ngọc làm quà đáp lễ cho hầu phu nhân, cũng thưởng cho vú Phan một đôi bạc quả tử.

Vú Phan hoàn thành nhiệm vụ, lại còn có thưởng. Bà cảm tạ rối rít, vui vẻ để vú Vương tiễn ra đến cổng.

Vương Hi sai tiểu a hoàn thả hai con cá cháy vào vại lớn dưới giàn nho.

Tiểu a hoàn lo việc chăm sóc sân vườn không có kinh nghiệm nuôi cá cháy, sợ hai con cá cháy làm chết cá vàng vốn được nuôi trong vại lớn kia nên đã nhờ tiểu a hoàn khác giúp đỡ, đầu tiên vớt cá vàng ra, đổi sang vại khác, sau đó mới thả hai con cá cháy vào.

Vương Hi thay bộ y phục lụa đỏ Hàng Châu có tay áo dẹp, cầm cành trúc trêu hai con cá cháy.

Hai con cá cháy dung hãn cực kì, cắn chặt cành trúc.

Bỗng Vương Hi nhớ tới nam tử múa kiếm trong rừng trúc kia.

Không biết người đó có quan hệ gì với Trưởng công chúa Bảo Khánh? Trông vị trí kia, có lẽ là ở phía Tây của phủ Trưởng công chúa.

Nhưng vẫn không thể chắc chắn.

Trước khi đi, phụ thân và đại ca đã điều tra phủ Vĩnh Thành hầu kỹ càng. Có ba nhà ngụ ở con ngõ này. Phía Tây là phủ Vĩnh Thành hầu. Phía Đông là phủ Trấn quốc công. Ở giữa là phủ đệ của Thượng thư bộ Lễ thời tiên đế, Đại học sĩ Đông Các - Lưu Tư Dung. Năm Vĩnh Khang thứ hai mươi bảy, Lưu Tử Dung bị cuốn vào án gian lận khoa cử, từ đó Lưu phủ ngày một suy tàn. Sau khi đăng cơ, Thánh thượng quyết định tái giá cho Trưởng công chúa Bảo Khánh, lấy Trấn quốc công, cũng là để Trấn quốc công tục huyền. Tông Nhân Phủ đứng ra mua lại Lưu phủ từ tay con cháu của Lưu Tử Dung, đổi thành phủ Trưởng công chúa. Con ngõ này chuyển từ ba nhà thành hai nhà.

Phụ thân của nàng còn nghĩ cách mô phỏng lại mấy nhà này. Đương nhiên không thể chuẩn xác, nhưng đại khái có thể biết vị trí chung.

Chủ yếu là sợ nàng lạc đường trong phủ Vĩnh Thành hầu, bị người ta bắt nạt.

Nhìn những mô hình nho nhỏ đấy, nàng thấy rất thú vị, còn bảo phụ thân làm một cái của nhà mình, thế thì hai đứa cháu của nàng sẽ không lạc đường nữa.

Phụ thân tức trợn mắt, ấn trán của nàng: "Sao lại có cô nương ngốc như con cơ chứ! Nếu người ngoài nắm được sơ đồ nhà mình, chẳng phải sẽ tùy thích ăn trộm ư? Nếu chúng thấy con quý giá, trộm mất con thì sao? Con không phải con nhà này à? Con không sợ à?"

Nàng cười ha ha.

Phụ thân cứ coi nàng là trẻ con lên ba.

Đương nhiên nàng biết sơ đồ trạch viện quan trọng, không thì những tấm bản đồ kia đã không quý báu như vậy.

Chẳng qua là nàng muốn biết căn nhà mình ở hơn chục năm qua rộng bao nhiêu thôi.

Đã nhiều năm rồi, nàng vẫn không biết tại sao khi nàng đứng tại chính viện của mình thì Quan Sơn Cư của phụ thân nằm ở phía Đông, còn khi nàng đứng ở hoa viên của Thính Đào Viên, Quan Sơn Cư lại biến thành phía Nam?

Nàng nhớ lúc ấy mình nhăn mũi bĩu môi, bắt bẻ phụ thân rằng: "Thế mà phụ thân dám phái người trà trộn vào phủ Vĩnh Thành hầu, phủ Trưởng công chúa và phủ Trấn quốc công? Nguy hiểm quá đi mất! Nếu người của chúng ta bị phát hiện, nhẹ nhất mang tội ăn trộm ăn cắp, mà có khi sẽ bị coi là thích khách!"

Phụ thân bị nàng chọc tức, vỗ ngực la lên: "Đứa nào lén đưa con đến trà lâu nghe ba cái thứ lăng nhăng? Thái bình thịnh thế kiếm đâu ra khích khách? Con bớt xem mấy tranh chữ thoại bản kia đi!"

Vương Hi chẳng buồn đáp lại phụ thân.

Ai dính đến nàng, phụ thân đều thấy giống lừa đảo, xấu xa.

Cũng may đại ca có việc tìm phụ thân, giải vây cho nàng, còn nói thầm: "Tối nay tới phòng huynh, huynh cho muội xem sơ đồ nhà ta."

Nàng vui sướng ngây ngất, "tự tay" làm một đĩa thịt bò thái sợi* cho đại ca ăn nhắm.

Nghĩ tới đây, trên mặt Vương Hi nở một nụ cười. Nàng nói với a hoàn Bạch Truật chuyên hầu hạ việc đọc sách:

- Chúng ta đến thư phòng!

Tình Tuyết Viên không quá năm mẫu, trồng rất nhiều hoa cỏ, chỗ ở chính thức có hai dãy năm gian và hơn chục phòng. Thái phu nhân thấy nàng chỉ dẫn theo mười mấy người, còn nam bộc ở ngoại viện nên cho rằng Tình Tuyết Viên là đủ.

1 mẫu ≈ 666,6 m²

Nhưng Vương Hi lại cảm thấy quá nhỏ, ở không được mấy ngày đã phải đánh tiếng với thái phu nhân. Nàng đào giếng, xây thêm hai phòng bếp nhỏ ở góc sân, lấy một phòng trong hoa viên sau nhà chính làm thư phòng. Gian cuối cùng phía Đông của nhà chính vốn là thư phòng thì được dọn dẹp làm chỗ để y phục và trang sức nàng thường dùng. Còn dãy nhà sau là chỗ để hòm xiểng.

Vì vậy mấy đại a hoàn Bạch Truật phải chen chúc trong một phòng, mấy tiểu a hoàn cũng phải dồn vào một phòng.

Nàng định sửa thêm nữa, mở rộng dãy phía sau hơn. Nhưng mà vú Vương lại khuyên: "Kinh thành đất chật người đông, không thì phủ đệ của Trưởng công chúa Bảo Khánh đã không phải chen giữa phủ Trấn quốc công và phủ Vĩnh Thành hầu"

Nghĩ tới đây, Vương Hi bèn thở dài, cảm thấy ở phủ Vĩnh Thành hầu khó sống, không giống Vương gia, trời cao đất rộng, lại xa hoàng đế. Cả con phố đều là nhà của nàng, cháu thứ của nàng được chín tuổi mà vẫn cần người dẫn, không kiểu gì cũng lạc đường,

Vương Hi kéo Bạch Truật đến thư phòng, sai Bạch Truật đi lấy sơ đồ của ba nhà.

Bạch Truật cười tủm tỉm đi.

Vương Hi nghĩ tới là lại khoái chí. Phụ thân không cho nàng mang theo sơ đồ của ba nhà, nàng bèn sai Bạch Truật vẽ một bản rồi giấu trong kệ gỗ cầm lai của bộ cờ vây bạch ngọc.

Bạch Truật nhanh chóng quay lại.

Vương Hi chải ba bản vẽ lên bàn lớn.

Vĩnh Thành hầu và Trấn quốc công là khai quốc công thần, hai phủ đều phải xây dựng theo biên chế, vuông vức không có gì đặc biệt. Còn phủ Trưởng công chúa lại cụt ở phía Nam, dài ở phía Bắc, có hình giống đao tệ*, chính viện kéo thẳng đến hậu hoa viện của phủ Vĩnh Thành hầu, còn hậu hoa viên thì chiếm mấy mẫu đất của ngõ Nhị Điều phía sau.

So sánh như vậy, Vương Hi phát hiện nơi múa kiếm kia nằm sát Liễu Ấm Viên ở góc Đông Bắc của hậu hoa viên phủ Vĩnh Thành hầu, sâu bên trong của phủ Trưởng công chúa, có hậu hoa viên ngay đằng sau và cũng là nơi hẻo lánh nhất phủ.

Vương Hi chống cằm trầm tư.

Đại ca kể Trưởng công chúa thành thân lần đầu không có con, sau tái giá với Trấn quốc công Trần Ngu mới sinh một con trai tên Trần Lạc. Trần Lạc này rất được cữu cữu là Hoàng đế sủng ái, mười hai tuổi đã được làm thiêm sự Long Tương vệ, quan võ chính tứ phẩm, được đi lại tự do trong cung và đeo đao diện thánh.

Không lí nào con cưng của trời lại ở nơi hẻo lánh như vậy. Nếu hắn ở phủ Trưởng công chúa, nhất định sẽ quanh chính viện của Trưởng công chúa.

Trưởng tử của Trấn quốc công - Trần Anh thì càng không thể.

Trưởng công chúa không những là kế mẫu của hắn mà còn là người của hoàng gia. Dù thân thiết thế nào cũng không có khả năng Trần Anh sống ở phủ Trưởng công chúa. Huống chi phủ Trấn quốc công lớn gấp đôi phủ Vĩnh Thành hầu. Phủ đệ chia làm ba lối, còn có hoa viên vây đằng Đông và mặt sau. Trong khi đó, phủ Vĩnh Thành hầu và phủ Trưởng công chúa chỉ chia hai lối, hoa viên ở đằng sau. Con gái của Trấn quốc công đã xuất giá, các huynh đệ của Trấn quốc công đã ra ở riêng trước khi lão quốc công mất. Trần Anh cần gì phải chen chân vào phủ Trưởng công chúa?

Nếu không phải hai vị công tử họ Trần, vậy người kia là ai?

Họ hàng của Trưởng công chúa?

Suy nghĩ thoáng qua, Vương Hi nhịn không được phì cười.

Họ hàng của Trưởng công chúa không phải hoàng tử thì cũng là phiên vương. Hoàng tử không thể xuất cung. Còn phiên vương thì không thể vào kinh, càng không thể ở trong phủ của Trưởng công chúa.

Bạch Truật vội hỏi:

- Đại tiểu thư nghĩ gì mà vui vậy ạ?

- Không có gì! Không có gì!

Vương Hi liên tục xua tay, sợ Bạch Truật chê cười mình.

Đột nhiên bên ngoài có tiếng gõ cửa.

Vương Hi ra hiệu cho Bạch Truật cất bản vẽ, sau đó mới cao giọng gọi:

- Vào đi!

Người tới là vú Vương và hai nữ đầu bếp mới vào phủ vài ngày trước.

Vú Vương hỏi:

- Đại tiểu thư định ăn hai con cá cháy kia thế nào ạ?

Vương Hi nghĩ nghĩ rồi hỏi:

- Bên thái phu nhân chưa có động tĩnh gì à?

Trước khi đi, phụ thân đã kể cho biết mối quan hệ giữa nàng và phủ Vĩnh Thành hầu, còn nói: "Con đừng để tâm ân oán đời trước. Ta nói cho con biết để con không phải lo lắng. Họ Vương chúng ta không nợ nhà đó cái gì, con cũng không cần so đo với tiểu thư, công tử nhà đó. Nếu nhà đó tốt với con, con thích thì ở lại chơi mấy hôm, thay mẫu thân của con tận hiếu với bà ngoại, coi như là giúp mẫu thân của con vui. Nếu ở không thoải mái hoặc nhà đó cậy mình là quyền quý mấy đời, nói cái gì không vừa tai thì con cứ dọn ra ngoài, ở kinh thành đến khi mẫu thân của con vừa lòng rồi về. Con gái của ta không cần phải nhìn sắc mặt của người khác!"

Nàng rất là khó xử.

Tuy mọi người không nhắc đến lai lịch của mẫu thân nhưng nàng và Nhị ca đã biết từ khi còn nhỏ. Nàng cho rằng, nếu không có những chuyện xảy ra trước kia, mẫu thân sẽ không lấy phụ thân, nếu mẫu thân không lấy phụ thân, chắc chắn không có nàng.

Mẫu thân lấy phụ thân cũng tốt lắm!

Còn về phủ Vĩnh Thành hầu kia, nàng chưa bao giờ gặp họ và sẽ không thân với họ. Nàng không thích, cũng không hận.

Nhưng không ngờ khi nàng thấy hình bóng của mẫu thân từ khuôn mặt già nua của thái phu nhân, khi thái phu nhân xúc động ôm chầm nàng rồi khóc rống lên, nàng đột nhiên hiểu ra, có lẽ năm đó không có ai dễ chịu, cũng cảm thấy bà ngoại không vô tình giống những gì mọi người kể. Huyết mạch như một sợi dây gắn kết hai người. Đặc biệt là lúc theo thái phu nhân đến miếu tạ Thần bái Phật. Thái phu nhân dâng hương xin cho nàng sau này được làm chủ cuộc sống của mình, tuyệt đối không giống bà, vì năm đó gả cao, lại ít hồi môn nên trượng phu ghẻ lạnh, còn không được quyết định hôn sự và chuyện sống chết của con cái. Vì vậy, nàng chẳng còn hứng thú với chuyện xưa đó.

*灯影牛肉丝 (đăng ảnh ngưu nhục ti - thịt bò sợi bóng đèn???) là một món ăn nổi tiếng có lịch sử hơn trăm năm ở Đạt Châu, Tứ Xuyên. Thịt bò được thái lát mỏng, rộng, có thể cho ánh sáng đi qua và để chơi trò "Rối bóng". Những lát thịt bò mỏng như tờ giấy được tẩm ướp và chế biến, cuối cùng có màu đỏ tươi, cay cay, nhai kĩ để cảm nhận hương vị tuyệt vời. (Editor: Xin phép được để là bò thái sợi^^)



*刀币 (đao tệ): Tiền thời Xuân Thu


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.