Diễm Chi

Chương 4: Chương 4




Lúc này bố mẹ mới dừng lại, cùng đưa ánh mắt qua nhìn tôi. Còn tôi đã lùi tới sát giường ngủ, gương mặt và ánh mắt đều lộ rõ vẻ sợ hãi. Nhìn thấy tôi như thế, cả hai mới vội vàng xin lỗi. Mẹ tiến đến trước nên ôm tôi vào lòng, còn bố thì ngồi bên cạnh ân hận nói:

- Bố xin lỗi con gái, bố quên mất con đang ở đây, bố xin lỗi.

Quên, rõ ràng là bố vừa mới kèm tôi học, hai người cãi nhau cũng vì bất đồng trong quan điểm dậy con. Vậy mà bố lại bảo quên, lại không nhớ rằng tôi đang ngồi ở giữa họ hay sao. Hay vì bố mẹ không còn thương tôi nữa?

Tôi không trả lời bố, cũng không vòng tay ôm mẹ như mọi khi, chỉ đưa ánh mắt đờ đẫn lên nhìn em. Nó cũng đang khóc mếu ở trên tay bà nội, có lẽ nó cũng như tôi, sợ hãi khi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau.

Bà nội tiếp tục trách bố mẹ:

- Chúng mày tối ngay chỉ biết cãi nhau, thích cãi nhau chửi nhau lần sau ra ngoài. Ở ngay trước mặt con mà cãi nhau như thế, chẳng ra làm sao cả.

Bà còn chửi nhiều lắm, nhưng cả bố và mẹ chẳng ai dám cãi lại nửa lời. Tôi không biết vì họ tự nhận thấy lỗi sai của mình nên không cãi. Hay vì cũng giống chị em tôi, là con nên mỗi lần bị chửi dù có oan ức cũng bất lực không thể phản kháng.

Mẹ ôm tôi, bố xót cái Hương nên cũng lại bế nó để dỗ dành. Hai người, mỗi người ghị một đứa con, cả hai đang cùng cố gắng làm lành vết thương do chính họ tạo ra trong lòng chị em tôi.

Họ mãi mãi không thể hiểu được, vết thương ấy có thể nhờ sự dỗ dành âu yếm kia mà thôi đau, nhưng sẽ không thể lành, và mãi mãi cũng không thể nào biến mất được.

Nó vẫn còn đó, vẫn ám ảnh chị em tôi khi phải chứng kiến cảnh tượng tương tự, nó ăn mòn tâm hồn non nớt của chị em tôi.

Nó cũng khiến tôi nghĩ rằng bố mẹ cãi nhau là vì tôi, lỗi là ở tôi…

- -----*------*------

Sau lần đó bố mẹ dường như cũng hiểu ra mọi chuyện, tần suất cãi nhau của hai người trước mặt chị em tôi giảm hẳn. Dù vẫn còn bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề, nhưng cứ nhìn sang chị em tôi là bố mẹ lại kìm xuống. Tôi không rõ khi tôi đi học thì bố mẹ có cãi nhau hay không, nhưng ít nhất như thế này tôi cũng đỡ cảm thấy sợ mỗi khi về nhà.

Bố mẹ vẫn tập trung lo cho ao cá, một nửa vườn mẹ để khô để trồng cây, một nửa phía dưới dốc hơn, nước đọng nhiều thì mẹ rắc lúa để sau này cá lớn hơn một chút thì cắt cho cá ăn thay cỏ.

Nói thì đơn giản thế nhưng ngần ấy thứ cũng đủ khiến cho bố mẹ tôi luôn chân luôn tay suốt ngày.

Lâu lâu bố lại đi hỏi thăm người này, nhờ vả người nọ chỉ để mong vay được thêm ít vốn thả thêm ít cá giống nữa cho ao khỏi lãng phí. Nhiều hơn nữa thì mua được ít giống lợn, chuồng thì xây rồi, lãi hàng tháng đến hạn vẫn phải trả mà để không thì biết bao giờ mới hết nợ.

Cũng may sau một thời gian chạy vạy bố mẹ cũng vay được ít vốn, lúc này cá trong ao đã lớn nên không thả thêm cá con vì sợ cá to sẽ ăn hết. Mà thả cá to tầm đó thì đắt nên bố mẹ quyết định dồn cả vốn vào mua giống lợn. Mấy năm nay lợn đang được giá, nhà nào nuôi cũng thắng, nếu đàn lợn này suôn sẻ thì nhà tôi dư sức trả hết nợ cho anh em. Con nợ ngân hàng thì vài năm chắc cũng hòm hòm.

Suy nghĩ đó khiến cho bố mẹ tôi phấn khởi hẳn lên, tâm trạng tốt hơn nên dù công việc có nhiều lên nhưng họ lại hòa thuận hơn lúc trước.

Năm ấy tôi học hết lớp 2 và đang được nghỉ hè, do là chị lớn trong nhà nên tôi có trách nhiệm trông em và phụ cùng bà nội cơm nước. Nhiều lúc cũng thèm được đi chơi như lũ bạn nhưng nhìn bố mẹ vất vả lại thôi.

Tôi cũng mơ hồ cảm nhận được nhà mình đang khó khăn thế nào, nên tôi phải cùng bố mẹ cố gắng. Nhưng điều khiến tôi cố gắng làm việc nhà thật nhiều đó là vì tôi luôn nghĩ, nếu tôi ngoan biết phụ cùng bà và bố mẹ làm việc thì bố mẹ sẽ vui, sẽ không cãi nhau. Còn nếu tôi mải chơi, chỉ sợ bố mẹ sẽ buồn, rồi mẹ sẽ bị bố đánh như lần trước.

Dù chuyện đó đã qua lâu nhưng tôi vẫn còn sợ, còn ám ảnh nhiều lắm.

- -------*--------*------

- Anh này, đàn lợn nhà mình nhanh lớn quá, anh chọn toàn giống tốt thôi.

- Giống tốt cũng 1 phần, phần nữa là mình chăm tốt nên mới được như thế. Cứ đà này chỉ chừng 6 tháng là bán bớt mấy con to đi để lấy vốn mua thêm ít nữa, mình nuôi xen kẽ, vất vả hơn tí nhưng lúc nào trong chuồng cũng có lợn, không bị bỏ trống.

- Vâng, anh tính thế cũng phải, mà cá nhà mình có khi sắp xuất được rồi đấy anh ạ.

- Ừ, anh cũng tính bàn với em sang tháng 7 mình dọn ao rồi chuẩn bị bơm, bán cá rằm tháng bảy dễ bán lắm.

Mọi thứ đều suôn sẻ nên tâm tình bố mẹ tôi cũng tốt hẳn lên, chị em tôi cũng vì niềm vui ấy mà cười đùa nhiều hơn.

Bà nội nhìn tôi đang nhặt mớ rau ngoài sân thì khích lệ.

- Bố mẹ mày mà cứ cái đà này thì kiểu gì cũng dư sức mua xe mới cho mày con ạ.

- Nhưng con sợ con không được loại giỏi bà ạ.

- Thế mới phải cố gắng chứ, cố mà phấn đấu nếu được giỏi bà bảo ông mua cho cái cặp sách mới.

Vừa nhặt rau, vừa tưởng tượng ra cái cảnh bản thân vừa được mua xe mới, lại được ông thưởng cho chiếc cặp mới toanh màu hồng, phía ngoài có hình công chúa Elsa. Nghĩ thôi đã thấy khoái rồi.

Thấy tôi cứ tủm tỉm cười bà lại trêu:

- Sao thích lắm hả, thế thì cố mà học vào cháu ạ, phải học thật giỏi để sau này đi thoát ly cho đỡ khổ. Chứ như bố mẹ mày kia kìa, ngày nào cũng đầu tắt, mặt tối vất vả lắm.

- Vâng ạ.

Tôi chưa hiểu lắm về mấy điều bà nói, chỉ cảm thấy thích thú về những phần thưởng mình sẽ đạt được nên cố gắng nhiều hơn.

- ------*------*------

Đúng theo lịch trình bố mẹ tôi bơm ao, có một vài người buôn cá vào hỏi mua, nhưng rồi mẹ quyết định tự mình đi chợ bán dần để cho được giá hơn. Vất vả một chút nhưng bù lại có thêm chút đỉnh cũng đáng.

Vậy là sáng nào bố mẹ cũng dậy từ 2-3h sáng để chuẩn bị ra chợ bán cá. Được cái mẹ có duyên bán hàng nên ngày nào cũng đắt khách. Mấy người bán cùng thấy thế cũng có chút đố kỵ nhưng mẹ mặc kệ, lộc ai nấy hưởng, là khách tự đến chứ mẹ cũng chẳng tranh cướp của người ta nên chẳng sợ.

Lứa cá năm đó là lứa cá đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm nên sau khi trừ hết mọi chi phí đi cũng không lời lãi được nhiều. Tuy vậy cũng xem như là một khởi đầu tốt đẹp.

Khi ao cạn bố mẹ tôi lại tiếp tục vãi vôi khử khuẩn như lần đầu sau đó mới mua cá giống thả vào. Bao nhiêu tiền bán cá bố mẹ dồn cả vào mua cá giống lần này thả nhiều hơn nên việc lo thức ăn cho cá cũng vất vả hơn nhiều.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi tôi bước chân lên lớp 3 thì bố cũng bắt đầu bán một số con lợn lớn hơn trong đàn để dồn tiền mua thêm giống lợn nhỏ hơn. Lợn năm nay được giá nên sau khi trừ mọi chi phí cũng dư được khá nhiều. Nếu đem so với cá thì có vẻ được lãi hơn hẳn.

Đêm ấy bố bàn với mẹ:

- Em này, hay mình mua lợn xề luôn đi, rồi mình chăm cho nó đẻ để lấy con giống con luôn.

- Cũng được, nhưng mà nếu mua lợn nhỏ rồi tự gây xề thì mất nhiều thời gian, chưa kể đến mình cũng không biết được con lợn đó có mắn đẻ hay không. Còn mua con lợn người ta đã gây xề thành công thì em sợ đắt.

- Vậy nên anh mới bàn với em, mình chưa có kinh nghiệm, lợn cũng mới bắt đầu nuôi bảo tự gây xề e là hơi khó. Còn nếu cứ đi mua con giống mãi cũng tốn kém. Mình phải có con giống thì mới mong có lãi nhiều. Mà nếu xác định làm ăn lâu dài thì nên mua xề em ạ, trước mắt cứ mua lấy 1 con, nếu ổn thì lứa sau bán lợn mình lại mua tiếp.

- Vâng, em nghe anh vậy.

Tôi cứ thế chập chờn trong cơn mơ cùng những bàn tính của bố mẹ, trong cơn mơ tôi thấy dãy chuồng lợn nhà tôi chật kín, con nào con nấy béo tròn mũm mĩm. Đếm sơ cũng phải đến cả trăm con. Mẹ cùng bố người thì dọn chuồng, người lại cho cá ăn, mồ hôi thấm đẫm lưng áo nhưng trong đáy mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Phía ngoài này tôi đang đèo em trên chiếc xe đạp mới, mẫu này là mẫu mới nhất năm nay, đi vừa nhẹ, vừa thích. Trên hiên nhà bà nội vừa nhai trầu vừa nhắc:

- Đi khéo không ngã em đấy.

- Bà yên tâm đi, con tay lái lụa mà.

- Cứ lẻo mép đi, đi chậm thôi con ạ. Cái Hương dơ chân ra kẻo lại kẹt chân bây giờ.

Khung cảnh ấy sao mà bình yên đến vậy, tôi cứ ngỡ sự bình yên ấy sẽ theo tôi từ giấc mơ ra ngoài đời thực. Vậy nhưng không thể, cơn mơ vẫn chỉ mãi là cơn mơ mà thôi.

- -------*--------*-------

Năm ấy tôi bắt đầu bước sang kỳ 2 của lớp 3, đàn lợn nhà tôi cũng đã được bố nhân giống lên thành 3 con xề. 3 con xề này sẽ cung cấp lợn giống cho các chuồng còn lại. Bên cạnh mấy con xề là đàn lợn nhỡ, đàn này có 18 con, gồm 8 con do con xề đầu tiên đẻ ra, và 10 con là bố mua giống bên ngoài. Kế bên là đàn lợn cấn gần 50 con, con nào con đấy to như con nghé con. Đàn lợn cấn này bố nói chia làm 2 phía, dãy chuồng phía tay phải thì 1 tháng nữa là bán được. Còn dãy bên trái gần 20 con thì phải 2 tháng nữa mới có thể bán được.

Vườn cây bố mẹ tôi cũng trồng đủ loại, nào thì ổi, na, mít, xoài, nhãn… Mỗi lần chủ nhật được nghỉ học tôi vẫn thường cùng mẹ ra vườn nhổ có và tưới nước cho chúng. Lúc ấy mẹ vẫn bảo:

- Sang năm thì Chi tha hồ quả ăn, thích ăn gì có nấy.

- Nhiều cây thế này con ăn sao hết hả mẹ.

- Thì Chi phụ mẹ đi chợ, hai mẹ con mình cùng bán hàng.

Tôi lắc đầu xua tay từ chối:

- Con không đi chợ bán hàng đâu, con xấu hổ lắm, nhỡ gặp bạn chúng nó cười con thối mũi.

- Ơ hay con bé này, mình đi bán hàng chứ đi ăn trộm ăn cắp đâu mà người ta cười.

- Thôi thôi, mẹ cho con làm việc khác đi, con không đi chợ bán hàng đâu.

- Con à, bán hàng cũng là một nghề, có cái gì mà con phải xấu hổ.

Mẹ cứ thế tỉ tê phân tích cho tôi nghe, nhưng tôi bỏ ngoài tai, nhất quyết không chịu nhận lời đi chợ cũng mẹ. Hết cách mẹ đành lắc đầu ngán ngẩm.

Cả một ngày theo mẹ ra vườn, tôi mệt tới mức chỉ muốn đi ngủ ngay nhưng còn vướng đống bài tập chưa làm xong nên đành cố lết cái thân xác đến bàn học. Cố làm thật nhanh còn đi nghỉ mà cái Hương cứ đến gần phá đám. Hết giật tóc lại gạch vào sách của tôi mấy đường, nói em không được tôi tức quá đánh luôn vào mông nó một cái rồi quát:

- Cút ra ngoài kia cho tao học bài không hả.

Cái Hương bị đánh lại bắt đầu giờ trò ăn vạ, nó ngồi bệt xuống nền nhà, vò mạnh hai chân vào nhau rồi khóc lớn:

- Hu hu, mẹ ơi, bố ơi, Chi đánh con.

Bố tôi đang xem thời sự thấy cái Hương khóc thì quát vọng vào:

- Nín ngay cho bố xem tin tức.

Lạ nhỉ, bình thường bố mà nghe thấy nó khóc sẽ chạy vào phòng tôi hỏi xem hai chị em có chuyện gì. Vậy mà hôm nay bố chỉ ở bên ngoài quát vọng vào, cũng chẳng thèm ghị cái Hương lấy một lời.

Cái Hương ăn vạ chưa thành công thì tiếp tục nằm rạp xuống sàn đập chân đập tay gọi bà nội:

- Bà ơi, Chi đánh con, Chi đành con huhu bà ơi.

Bà nghe thấy vậy thì đi vào, bế cái Hương lên rồi nói:

- Nín đi, bố mày đang cáu đấy, khóc bố cho ăn đòn bây giờ.

Tôi nghe bà nói thì xoay hẳn ra mách:

- Bà xem, nó gạch đầy ra sách của con này, tí con mách bố.

- Mày nữa, lớn mà không nhường em, có tí em mà suốt ngày chãnh chọe.

- Bà thì cái gì cũng bắt con nhường nó, nó gạch vào sách vở con mai con bị cô phạt thì sao. Lúc nào bà cũng bênh em thôi, con ghét bà lắm.

Bà nghe tôi hét lớn thì ra dấu im lặng rồi hạ giọng nói:

- Suỵt, bé cái mồm thôi không ăn đòn cả lũ bây giờ.

- Con làm gì sai đâu mà ăn đòn.

- Bố mẹ mày đang đau đầu vì tình hình dịch lợn đấy, chị em mày nhiễu thì xem chừng no đòn, lúc ấy bà cũng không cứu được đâu.

Chiều nay tôi cũng nghe bố mẹ nói chuyện, hình như đang có dịch tai xanh, tai đỏ gì đó, nghe giọng bố có vẻ nghiêm trọng lắm. Chẳng trách cái Hương khóc mà bố lại quát. Biết điều tôi lặng im không cãi bà nữa.

Đêm ấy bố mẹ lại nằm bàn tính cả đêm không ngủ:

- Anh này, hay cái dãy lợn bên phải mình bán non đi, chứ giờ dịch bệnh thế này em lo quá.

- Giờ mới là lúc nó lớn, bán nhỏ vừa khó bán lại mất giá. Mà bán tầm này thì xem như chả lời lãi được mấy.

- Cũng còn hơn dịch bệnh mất trắng.

Mẹ nói xong thì bố cáu lên quát:

- Cô điên à, ăn nói vớ vẩn, mình cứ chịu khó vãi vôi khử trùng, cố lên lấy tháng nữa là được.

- Thôi anh đừng có liều, mình cứ ăn chắc mặc bền thôi anh, bán cái đàn lớn đi cho yên tâm.

- Cứ để đấy tôi tính, chưa đâu vào đâu đã cuống lên rồi.

Mỗi người một ý, chẳng mấy chốc bố mẹ tôi lại cãi nhau, tiếng bố quát to khiến chị 3 bà cháu tôi phải giật mình thức giấc:

- Tôi đã bảo để từ từ xem tình hình rồi tính, làm cái gì mà cứ rối lên.

- Tính cái gì nữa, tivi nói xa xả bao ngày nay rồi, tính rồi lại như đàn cá đầu tiên ấy.

- Câm cái mồm đi, cái đấy là chẳng may, động tí là lôi lại đay nghiến, đúng là cái giống đàn bà lắm mồm.

Mẹ vẫn không chịu im mà ngồi phắt dậy nói:

- Phải tôi lắm mồm, tôi mà không lắm mồm thì có ngày hôm nay đấy. Tôi lo cho gia đình, nợ nần chưa trả hết, con thì tuổi ăn tuổi lớn, làm cái gì nó cũng phải cẩn thận một tí, cứ tham rồi có ngày chết sặc.

Nghe đến đây bà nội cũng không nhịn nữa mà quát:

- Chị Bích này, chị nói chồng như thế à, nó mà chết sặc thì chị hả hê lắm à. Ăn với chả nói, nói sao cho đúng bổn phận người vợ chứ không phải thích nói gì cũng được đâu.

- Mẹ xem, dịch đang căng thẳng như thế, con bảo anh ấy bán đi cái đàn lợn to cho yên tâm mà anh ấy không chịu. Bán non cho chắc còn hơn để mà lo ngay ngáy.

- Nó làm gì là tính toán cả rồi, chị không phải lo.

- Không lo rồi như lần trước ấy, đến lúc rồi chẳng có gì ăn đâu mẹ ạ.

Bố ngồi dậy, chỉ tay vào mặt mẹ chửi:

- Mày có câm mồm đi không, lèo nhèo tao lại tát cho cái giờ.

- Cái loại chồng cứ mở mồm ra là dọa đánh vợ, đéo đáng mặt làm đàn ông.

Chưa bao giờ tôi thấy mẹ nặng lời với bố đến vậy, cũng là lần đầu tiên tôi thấy mắt bố vằn đỏ như lửa. Cứ thế bố lao người về phía mẹ, nhanh đến mức không một ai kịp phản ứng gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.