Mạn Thiên Hoa Vũ

Chương 7: Chương 7: Giấc mộng




Tôi tỉnh dậy trên sàn nhà lạnh lẽo, tóc tai bù xù, cả người như không còn chút sức lực nào. Nếu không nhờ bộ viên lĩnh tối màu trên người thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ tất cả những gì đã xảy ra chỉ là một giấc mơ.

Ba lô bị mở tung, trên giường là thằng Đạt đang cầm trên tay chiếc máy ảnh của bố, trông mặt nó hẳn là vừa bị cho một trận ra trò. Tôi không có lấy một chút thương cảm, thằng nhóc này dám mặc kệ tôi nằm dưới sàn nhà lạnh lẽo, chỉ biết chăm chăm quan tâm tới cái máy ảnh. Rõ là muốn bị ăn chửi rồi.

Tôi lồm cồm bò dậy, xiêu vẹo đi đến cạnh bàn tự rót cho mình một cốc nước. Thằng Đạt không hề ngẩng lên.

Tôi uống một hơi hết cốc nước đầy, lết tới trước mặt thằng Đạt, hằm hằm nhìn nó. Đạt vẫn tiếp tục không ngẩng đầu lên.

Tôi chán nản xoa mặt, rồi nghe thấy tiếng mình rít lên qua kẽ răng: “Thằng vô ơn, chị mày về mà không một lời cảm ơn là sao?”

“Vâng, cảm ơn Tâm.” Đạt vẫn cúi đầu, rất không tình nguyện mà nói.

Ha, thằng này ngày càng không ra đâu vào đâu rồi. Chẳng lẽ bộ dạng thê thảm của tôi không thể làm nó mủi lòng được sao?

Không những vậy, tôi còn bị mắc kẹt ở thời phong kiến không dưới nửa tháng, nó không hỏi thăm thì thôi lại còn buồn bã như vậy, muốn thể hiện cho ai xem đây?

Tôi dồn cơn giận dữ xuống đáy lòng, nhẹ nhàng hỏi: “Chị biến mất lâu như thế, mày che giấu thế nào với bố mẹ?”

“Lâu là sao?” Đạt cuối cùng cũng để ý tới tôi, nhíu mày hỏi.

Tôi làm bộ tính toán, hờ hững đáp: “Ít nhất cũng phải nửa tháng còn gì?”

Nó lắc lắc đầu, sẵng giọng: “Tâm bị đập đầu vào đâu à? Còn chưa hết một ngày cơ mà?”

Chà, phản ứng có hơi thái quá rồi đấy.

Tôi bỏ qua giai đoạn ngạc nhiên hỏi lại Đạt “Một ngày là sao?” mà trực tiếp kể lại luôn quá trình mình vượt thời gian, đã gặp những ai, đã làm những gì trong nửa tháng ấy, ngoài ra cũng tự lược bỏ đi câu chuyện về cô gái có diện mạo giống mình cho đỡ lằng nhằng.

Đạt ngồi yên lặng trên giường rất lâu, liếc qua chiếc đồng hồ trên tường rồi hạ giọng nói: “Tính từ lúc Tâm biến mất tới giờ mới được hơn mười bảy tiếng, Tâm đi lúc chín giờ sáng, hiện tại cũng mới chỉ hai giờ. Chưa tròn một ngày nữa.”

Tôi há mồm, ngồi xuống cạnh Đạt: “Nghĩa là bố mẹ chưa biết gì cả?”

“Ừ.” Đạt gật gù.

Tay tôi chạm vào đầu Đạt một cách nhẹ nhàng, nghe “bốp” một tiếng.

“Láo với chị hả?” Tôi trợn mắt.

“Được rồi mà.” Đạt xoa xoa đầu bất mãn, nhưng mặt nó không còn sự buồn bã như khi nãy nữa mà thay vào đó là một nỗi lo lắng.

Nó đến bên Rosie xem xét một hồi, cuối cùng lắc đầu nói: “Chắc Rosie bị trục trặc rồi. Trước giờ nó vẫn luôn chính xác tới từng giây, nhưng theo lời Tâm nói thì thời gian của hiện tại và của quá khứ chênh lệch quá nhiều. Chắc phải tạm ngưng việc du hành thời gian thôi.”

“Ờ.” Tôi hờ hững đáp.

Không hiểu sao khi Đạt nói sẽ không được vượt thời gian nữa lòng tôi lại gợn lên một nỗi buồn man mác. Cảm thấy như mình vừa hụt mất một điều gì đó vậy.

Đạt không muốn hỏi gì nữa nên tôi đành lết xác về phòng mình, tắm táp thay rửa sạch sẽ. Chỉ vừa đặt lưng lên giường là tôi ngủ như chết, say sưa tới tận mười một giờ trưa hôm sau mới dậy.

Dường như giấc ngủ ấy đã gom góp hết những yên bình của tôi sau này, bởi bắt đầu từ đêm ngày tiếp theo không hôm nào tôi có được một giấc ngủ ngon nữa. Những cơn ác mộng đeo bám tôi không rời, ngay cả khi tôi chỉ ngả lưng ngủ một giấc thật ngắn vào buổi trưa.

Luôn có một đám người vây quanh tôi trong lúc ngủ, la hét giận dữ, mắng tôi rằng vì sao tôi lại đột ngột xuất hiện, vì sao tôi có thể chạy đến làm thay đổi kiếp nạn của một người như thế. Những ngày đầu tiên sau khi tỉnh dậy, lưng tôi ướt đẫm mồ hôi, trái tim đập thình thịch một cách sợ hãi. Tôi cảm thấy bồn chồn lo lắng, dùng đủ mọi cách cũng không tìm hiểu được vì sao một giấc mơ lại có thể kéo dài nhiều ngày tới như vậy.

...

Đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày tôi vượt thời gian. Đạt không mạo hiểm du hành nữa, nó nói với tôi rằng Rosie là một chiếc máy không được phép có bất cứ sai sót nào. Vượt thời gian không phải chuyện đơn giản, chỉ cần một lỗi nhỏ là người du hành thời gian sẽ bị mắc kẹt lại quá khứ mãi mãi.

Không được vượt thời gian nữa tôi cũng cảm thấy có chút buồn. Phần lớn là bởi ông vua con Trần Thuyên kia đáng yêu quá mức, nếu gặp người như vậy ở thế giới của mình thì nhất định tôi sẽ nói với cậu rằng: “Chị chờ em lớn nhé!”

Có lẽ chúng tôi chỉ có một đoạn duyên ngắn ngủi như vậy, rồi Trần Thuyên sẽ lớn, cậu sẽ trở thành vị vua thứ tư của nhà Trần nước ta. Cậu sẽ có cả đám vợ con đằng sau, và cậu chắc chắn sẽ quên đi cô gái từng ở trước mặt cậu hét lên ba từ: “Mẹ nhà nó!”

Tôi chống tay lên bàn chán nản, tay kia hờ hững khuấy cốc nước chanh. Sáng nay vừa ngủ dậy đã bị bố lôi tới hội thơ, khuôn mặt vui vẻ hiếm có vào buổi sáng của bố khiến tôi rợn tóc gáy. Bố nhất định kéo tôi đi cho bằng được, nói rằng trong hai mươi hai năm tôi sống trên đời thì đây là lần duy nhất bố vì tương lai của tôi mà bắt tôi phải làm gì đó.

Nghe xong câu này tôi phụt hết cả cơm trong miệng ra, vội vã hỏi lại bố: “Vậy từ trước tới giờ bố không vì tương lai của con ạ?”

“Ha ha ha...” Bố cười khan vài tiếng, sau đó lấy cớ dắt xe mà nhanh nhẹn bước ra ngoài sân bỏ lại tôi với cái bàn vương vãi cơm.

Kết cục thì tôi vẫn chưa biết “tương lai” của mình ở đâu nhưng có thể thấy hiện tại là một cốc nước chanh mát lạnh trên tay, ngồi thu lu một góc nhìn bố cùng các bác trong hội thơ cười nói vui vẻ.

Khi tôi ngáp tới lần thứ hai mươi ba thì cánh cửa phòng bật mở, không biết từ giây phút nào mà bàn tay rắn rỏi của bố đã đặt trên vai tôi vô cùng kỳ vọng.

Phía cửa là cụ Tĩnh, cụ ông lớn tuổi nhất của hội thơ. Tôi ngẩng đầu lên nhìn bố thắc mắc, đáp lại tôi là một nụ cười đầy ẩn ý.

Tôi lại hướng mắt ra phía cụ Tĩnh, cuối cùng cũng nhìn ra được một dáng người dong dỏng phía sau cụ. Ồ, kia chẳng phải là đứa cháu đích tôn quý giá vừa đẹp trai vừa tài giỏi, thông minh của cụ hay sao?

Cụ Tĩnh cùng tên cháu trai kia bước vào phòng, bố tôi chớp mắt một cái đã đi bên cạnh đỡ tay, tôi bỗng cảm thấy một dự cảm không lành.

Hóa ra câu nói “vì tương lai của con gái” mà bố tôi đã nói là có ý nghĩa như vậy. Trần đời có ông bố nào lại đi làm mối cho con gái mình hay không?

Tôi mới hai mươi ba tuổi mà đã được bố mẹ sốt sắng thay, không biết là do hai cụ lo xa hay do chính tôi có nguy cơ bị ế cao nữa.

Dù không ưa cái trò mai mối này cho lắm nhưng tôi cũng không dám thể hiện ra ngoài. Tôi khoác lên mình vỏ bọc của một người con gái dịu dàng, phối hợp diễn xuất với Phùng – cháu trai cụ Tĩnh.

Chỉ bằng một cái liếc mắt, tôi đã có thể nhận ra được anh ta cũng không có hứng thú gì với tôi, chỉ là mỗi lần ánh mắt của ông nội chiếu đến chúng tôi là anh ta lại nở nụ cười thật ngọt ngào với tôi.

Tôi dịu dàng cười đáp lại, trong lòng thầm mắng tên giả tạo ấy.

Ít nhất thì thể hiện bên ngoài của tôi không lúc nóng lúc lạnh như anh ta, tôi tỏ ra vô cùng lịch sự, hỏi anh ta muốn uống gì rồi tự mình đi gọi đồ uống. Trong khi đó, chỉ cần ông nội không nhìn là Phùng sẽ cúi xuống dán mắt vào điện thoại, hoàn toàn mặc kệ tôi.

May mắn cho thằng cha này là dạo này tôi bắt đầu ít tính toán với người dưng đấy nhé. Tôi không buồn bắt chuyện với hắn, chống cằm ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ.

Vạt nắng hờ hững buông dài trên bậc cửa, gió thổi nhè nhẹ.

Tôi chợt nhớ tới khuôn mặt của một cậu nhóc, tò mò và háo hức khi tôi kể chuyện. Cậu giận dỗi khi tôi trốn ra ngoài cùng người khác. Cậu bất lực vươn tay ra nhưng ngay cả vạt áo của tôi cũng không nắm được, trơ mắt nhìn tôi chìm dần xuống làn nước.

Dù cả cuộc đời trôi qua, tôi có lẽ cũng không bao giờ có thể quên được nửa tháng ngắn ngủi ấy. Còn cậu thì sao?

Bố đèo tôi về tới nhà, hai mắt nháy nháy vui vẻ hỏi:

“Sao? Thằng nhóc ấy được chứ hả? Mới hai bảy mà đã lên trưởng phòng rồi đấy.”

Tôi nhét mũ bảo hiểm vào cốp rồi cười trả lời: “Dạ cũng được.”

“Được là được thế nào? Cụ Tĩnh bảo thằng nhóc ấy cũng có cảm tình với con gái bố lắm đấy, có gì phải xúc tiến nhanh... ơ kìa chạy đi đâu thế?”

Không dám để bố nói hết câu, tôi vội vã bỏ của chạy lấy người. Bố tôi vui vẻ như vậy, tôi không thể nói rằng Phùng hoàn toàn không phải mẫu người của tôi. Và tôi lại càng không thể nói rằng tôi đã từng cảm nắng một cậu nhóc mười ba tuổi, và “cậu nhóc” ấy lại hơn tôi những mấy trăm năm tuổi.

Tôi thơ thẩn bước trên con đường đầy lá vàng rơi, gió thổi xào xạc. Mới đầu giờ chiều, đường Hoàng Diệu vẫn còn ít người qua lại, là một dải yên tĩnh tới mê mẩn. Tôi vẫn luôn cho rằng đường Hoàng Diệu là con đường đẹp nhất nhì Hà Nội, trước kia như vậy và tới giờ nó dường như còn có mang thêm một sức cuốn hút vô tận nữa.

Bước chân tôi tự động tiến về phía trước, thu vào tầm mắt tôi chính là Hoàng thành Thăng Long cổ kính.

Cả người tôi bỗng trở nên run run, đường Hoàng Diệu có Hoàng thành Thăng Long, trong Hoàng thành Thăng Long chính là nơi... Trần Thuyên từng sống.

“Tâm... Tâm ơi!”

Tôi quay lại đằng sau theo tiếng gọi. “Anh... Phùng?”

Thằng cha giả tạo này đang làm gì ở đây thế? Như những gì tôi biết thì nhà của hắn ở tít đường Phạm Hùng mà.

“Em đi đâu đấy?” Phùng thân thiết hỏi.

Tôi cười nhạt trong lòng nhưng vẫn lịch sự trả lời: “Em chỉ đi lang thang thôi ạ.”

Phùng nghe vậy liền cười tươi: “Trùng hợp thật đấy, anh cũng đang đi loanh quanh. Ở đây mát nhỉ?”

Tôi khẽ nhíu mày, mới khi nãy anh ta còn dửng dưng với tôi lắm mà, vì sao giờ lại tỏ ra như đã thân nhau lắm rồi? Phùng nghiêng đầu về phía tôi, tôi lập tức nở ra một nụ cười xã giao.

Thấy tôi không đáp lời, anh ta lại vui vẻ bảo: “Anh biết ở trên đường Thanh Niên có một quán cafe view hồ, đẹp lắm. Em đi cùng anh nhé?”

Tôi cảm thấy hơi kinh ngạc trong lòng. Người con trai tươi tắn này cùng với người thoắt lạnh thoắt ấm tôi gặp trong hội thơ là một ư?

Phùng mặc kệ cho tôi quan sát, kiên nhẫn chờ câu trả lời. Tôi nghi hoặc hồi lâu, sau đó mới nghĩ rằng có lẽ anh ta cũng không xấu như mình tưởng. Dù sao đi uống một cốc cà phê cũng không mất gì. Tôi liền mỉm cười gật đầu, nhận lấy chiếc mũ bảo hiểm từ tay Phùng.

...

Em, mình chia tay đi.

Tin nhắn thứ nhất đến. Ding, ding.

Chúng mình không hợp nhau. Ding, ding.

Anh không đủ tốt với em.

Cả một bàn ăn đang rộn rã cười nói chợt im phăng phắc. Mai đưa lại tôi chiếc điện thoại, mặt con bé đã trở nên tái mét. Màn hình điện thoại vẫn sáng, ba tin nhắn ngoan ngoãn nằm kế tiếp nhau dưới cái tên quen thuộc của Phùng.

Tôi không để ý tới lũ bạn, vội vã xách đồ chạy ra ngoài. Tôi bấm gọi lại cho Phùng nhưng cứ chờ được một lát lại bị ngắt đi một cách lạnh lùng.

Cái thằng chết tiệt này, cuối cùng cũng đòi chia tay tôi. Chỉ không ngờ hắn ta lại hèn hạ như thế, không dám nói thẳng mặt mà phải qua tin nhắn.

Suốt chặng đường trên grab tôi đều gọi cho Phùng, tổng cộng cũng phải gần hai mươi cuộc. Tôi biết rõ hắn ta sẽ không đời nào nhấc máy, nhưng vẫn kiên trì nghe tiếng tút dài ở đầu dây.

Tôi cười lạnh trong lòng, vài ba cái lý do nhảm nhí kia mà đòi đá tôi dễ dàng đến thế à? Con gái nhà người ta không phải là đồ vật mà anh muốn giữ thì giữ, không cần lại ném đi như vậy.

Muốn tôi ngoan ngoãn cút xéo khỏi cuộc đời anh thì anh cần phải làm tốt hơn Phùng ạ.

“Anh không nghe máy cũng được. Nhưng em cần gặp anh. Em muốn đưa anh một vật. Đừng lo, em đồng ý chia tay.”

Giọng điệu ngoan ngoãn này tôi vẫn thường thể hiện khi nói chuyện với Phùng. Chỉ chừng vài phút sau, tin nhắn trả lời đến. Anh ta hẹn tôi tối nay, ở quán cà phê cũ trên đường Thanh Niên.

Tôi đọc tin nhắn mà bật cười chua chát, hẹn đâu không hẹn lại đúng quán quen? Có lẽ với Phùng, vài tháng yêu nhau chẳng thấm vào đâu, vì vậy anh ta không muốn mất thời gian tìm nơi khác để gặp tôi lần cuối này.

Ngay từ giây phút nhận lời Phùng, tôi đã cảm giác mối quan hệ này không đi đến đâu. Nhưng vì sự nhiệt tình của anh ta, tôi không đành lòng từ chối. Thời gian cứ thế trôi qua, tôi tự trấn an rằng tình cảm đang phát triển, tôi luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho Phùng.

“Em, mình chia tay đi.” “Chúng mình không hợp nhau.” “Anh không đủ tốt với em.”

Ba tin nhắn, một mối quan hệ kết thúc. Thật dễ dàng như khi nó bắt đầu.

Khi tôi đến quán cà phê đã thấy Phùng tại chỗ ngồi quen thuộc của chúng tôi. Trong lòng tôi như bị dao găm, gào thét phẫn nộ. Tuy vậy ngoài mặt tôi vẫn chưng ra vẻ mặt dửng dưng, không vui không giận mà tiến vào chào. Phùng có vẻ vẫn rất bình thường, giơ tay lên gọi đồ uống.

Được, anh ta vẫn còn nhớ tôi thường uống cái gì. Tôi lập tức gạt tay Phùng xuống, cười nhẹ nhàng: “Em uống nước lọc là được rồi.”

Phùng hơi tỏ ra kinh ngạc nhưng cũng không nói gì.

Tôi khẽ nhếch mép, thầm nhủ: “Mẹ kiếp, anh nên cảm thấy mình may mắn đi. Nước lọc không màu không mùi, tôi thật sự quá tốt bụng với anh rồi đấy.”

Tất nhiên, dù trong lòng đang chửi bới tổ tông mấy đời nhà anh ta nhưng tôi vẫn yên lặng ngồi đối diện, quyết định rằng chưa cần phải nói gì cả.

Phùng cúi đầu khuấy tách cà phê, muốn mở lời nhưng không biết làm cách nào.

Có lẽ anh ta đang tự hỏi không biết tôi mang tới cho anh ta cái gì trong chiếc túi xách bé tẹo tôi đang đeo trên vai này.

Nghĩ tới đây tôi không nhịn được liền bật cười, lập tức khiến Phùng chú ý. Anh ta ngơ ngác hỏi tôi có chuyện gì.

Đúng lúc ấy nhân viên mang cốc nước tới, tôi nhấp một ngụm rồi cười cười: “Ngày trước, người yêu cũ của con bạn em bắt cá hai tay, về sau bị bạn em bắt được tại trận. Sẵn lúc ấy đang ăn bún đậu mắm tôm, nó liền hất cả bát vào hai người kia. Nhưng mà mắm tôm vẫn còn nhẹ nhàng quá anh nhỉ?”

Phùng tái mặt nhìn tôi, lắp bắp: “Em...”

Tôi thản nhiên đáp: “Vâng, cái gì em cũng biết.”

Vẻ mặt của Phùng biến hóa từ xanh sang tím, từ tím sang đỏ vô cùng nực cười. Tôi đứng dậy một cách tao nhã, sau đó tiện tay cầm cốc nước hắt thẳng vào mặt Phùng. Hắn ta kinh ngạc nhìn tôi, chắc không ngờ tôi dám làm vậy.

Cốc nước không còn một giọt, tôi đánh mắt sang cốc cà phê. Phùng vội vã che nó lại nhìn tôi ấm ức.

Tôi cười mấy tiếng, nói: “Không cần sợ, tôi vẫn lo cho vẻ ngoài của anh lắm. Nhỡ về nhà chị bạn gái mới của anh lại hỏi thì biết giải thích thế nào?”

Phùng trân trân nhìn tôi không đáp. Tôi lại giả bộ mới nhớ ra gì đó, thò tay vào túi xách khua khua tìm kiếm một hồi, cuối cùng giơ lên mặt anh ta ngón tay giữa.

Tôi cười nhạt: “Quà của anh.”

Sau đó quay lưng, bước đi trong ánh nhìn của vài người gần đó.

Còn chưa đi ra tới cửa, cánh tay tôi đã bị giữ chặt lại. Lực bóp mạnh đến nỗi tôi thiếu chút nữa đã hét toáng lên. Phùng, với khuôn mặt vẫn đang chảy nước ròng ròng, tức giận nhìn tôi.

Hắn ta gầm gừ: “Con điên này?”

Đã chuyển xưng hô. Rất tốt, rất tốt!

Tôi không để bàn tay bẩn thỉu của anh ta trên người mình lâu hơn, lập tức giật tay ra khinh bỉ nhìn Phùng.

“Điên? Ừ, tôi thà điên còn hơn là hèn như anh? Một thằng hèn yêu đương với đứa con gái khác cả tháng trời rồi mới dám chia tay bạn gái hiện tại. Không một lời xin lỗi, không một lời giải thích. Đã thế còn hèn tới mức chia tay qua tin nhắn!”

Vừa nói tôi vừa cười, tâm trạng không tệ đâu.

“Anh có biết mình hèn hạ tới mức nào không? Mẹ kiếp, nhắn tin chia tay xong thì gọi điện không nghe, anh muốn cắt đứt liên lạc nhanh đến thế cơ à? Muốn chính thức công khai với bạn gái mới nhanh thế cơ à? Yêu đương cái khỉ gì toàn thấy giấu diếm, khéo ở nhà anh còn có cả đứa con ba tuổi rồi ấy nhỉ?”

Phùng tím mặt, đôi môi mấp máy như muốn nói gì đó. Tôi thấy bộ dạng của anh ta thì càng lúc càng thấy phẫn nộ, chửi một câu lại thêm một câu nữa, hăng hái như sinh viên đi tình nguyện ở miền núi.

Trong lúc nóng giận, tôi mở túi xách ra rút hai tờ năm trăm nghìn, vốn là một phần lương mới nhận hồi sáng, giơ ra trước mặt Phùng.

Tôi rít lên qua kẽ răng: “Tính xem trước giờ anh mua cho tôi được cái gì, có quá một triệu không?”

Phùng nghe vậy lập tức khựng lại suy tính, tên khốn khiếp này.

“Tôi không có thời gian chờ anh đâu, ở đây có một triệu, cầm lấy mà cút đi!”

Tôi hùng hồn nói, tay ném cái “phạch” hai tờ tiền vào mặt Phùng. Tiền rời khỏi tay, hối hận không kịp. Tôi đau xót nhìn hai tờ năm trăm nghìn nằm chặt trong tay Phùng, trông hắn không có vẻ sẽ ném trả lại tôi.

Vì cũng là một đứa sĩ diện, tôi dằn lòng mình không được giật lại tiền từ hắn, dù điều này cũng thật khó khăn.

Tôi quay mông, kiêu hãnh đi ra khỏi quán cà phê không ngoảnh lại dù chỉ một lần.

...

Bố mẹ đã đi du lịch, phải tới tối mai mới về. Ở nhà tối om, ánh sáng duy nhất được chiếu ra từ ô cửa sổ phòng thằng Đạt.

Tôi thở dài một hơi, mệt mỏi cởi giày rồi lết vào nhà. Tôi tắm rất lâu, như muốn gột rửa hết sự nhục nhã của ngày hôm nay. Yêu đương với Phùng, đối với tôi không hẳn là chuyện dễ quên. Nhưng chia tay với anh ta lại giống như một sự giải thoát.

Tất nhiên tôi có buồn, nhưng tôi buồn vì bị phản bội nhiều hơn là bị đá. Giá mà anh ta chia tay tôi sớm hơn một chút, ít nhất là trước khi tiến đến với người khác thì có lẽ chúng tôi sẽ kết thúc một cách êm đẹp. Tôi để vòi hoa sen xối thẳng vào mặt, nhớ tới khoảnh khắc tận mắt thấy Phùng ôm ấp hôn hít con bé mà anh ta thề thốt với tôi rằng chỉ là bạn cùng lớp mà thôi. Khi ấy tôi có khóc không nhỉ? Hình như là khóc không nổi. Tôi còn ngạc nhiên với phản ứng của mình lúc đó, chỉ một nụ cười lạnh lùng rồi quay ngoắt đi. Là tôi đã lường trước được sự việc hay tôi vốn hi vọng rằng anh ta sẽ lại về bên tôi?

Tôi rời khỏi phòng tắm, bỗng thấy trên gương xuất hiện khuôn mặt dửng dưng của một cô gái. Hờ hững tới đáng sợ.

“Mẹ nhà nó! Thèm có người yêu tới mức lao vào một thằng không ra gì, giờ mày sáng mắt ra chưa?” Tôi hét vào gương, những tưởng đang chửi một người khác chứ không phải bản thân mình.

Ghế sofa ở nhà rất êm ái, tôi vừa nằm ngửa, đầu thò ra ngoài vừa sấy tóc. Mắt tôi ngó láo liên không mục đích, nhưng rồi lại phát hiện ra một vật siêu “xịn“. Hũ rượu ngâm của bố, chỉ mang ra khi họp gia đình, mà cũng chỉ có những cán bộ cấp cao như ông nội, ông ngoại, các bác... mới được uống.

Trong tình cảnh thế này thì tất cả những lời dặn dò tôi đều ném hết ra khỏi đầu.

Tôi vội vã rót rượu ra cốc, như sợ rằng bố mẹ sẽ về bất cứ lúc nào và không cho tôi uống rượu nữa. Đứa con gái ngoan ngoãn của bố mẹ giờ đang đau khổ vì thất tình và đã chuẩn bị đầy đủ để say một trận chỉ bởi một thằng con trai. Tôi không thèm nhìn vào hũ rượu xem ở trong có gì, không thèm ngửi qua mùi, một hơi uống sạch cả cốc thủy tinh đầy.

Cổ họng bỏng rát, vị cay nồng của rượu sộc thẳng lên tận óc. Tôi vừa thấy đầu óc mình tỉnh táo, lại vừa thấy mọi thứ xung quanh thật mơ hồ.

Cốc rượu thứ hai cũng cạn, trước mắt tôi bỗng hiện lên một người đàn ông cao ráo, mảnh dẻ, một thân áo trắng phiêu diêu thoát tục. Người ấy dịu dàng cất giọng trầm ấm:

“Rượu tưới sầu tan, vị đậm đà,

Giường rồng, chiếu trúc trải bày ra.

Trời trong như nước, trăng vằng vặc,

Giấc mộng xuân dài, dưới bóng hoa.”

Tôi cười hềnh hệch, trên má bỗng cảm thấy ươn ướt, nước mắt từ lúc nào đã chảy ra mất rồi.

Vừa khóc, tôi vừa rót thêm rượu uống như nước lã. Lồng ngực tôi như muốn bùng cháy nhưng thứ cảm giác này lại thật tuyệt vời.

Tôi gục mặt xuống bàn một lúc, đang thiêm thiếp ngủ thì bị lay dậy. Đạt bị dọa tới hốt hoảng, liên mồm hỏi tôi có chuyện gì.

Tôi đẩy nó ra rồi mơ màng nói: “Đạt! Đưa ngay cho chị số điện thoại của anh sáu múi!”

Đạt trợn tròn mắt nhìn tôi: “Anh sáu múi nào?”

Tôi tức giận quát: “Anh sáu múi là anh sáu múi! Mày ăn gì mà dốt thế hả?”

Đạt nhăn mặt, bịt mũi khi tôi ngã vào người nó. Nó nhanh chóng đẩy tôi xuống ghế rồi lùi lại cả năm mét, mặt cảnh giác.

“Ý Tâm là anh Long à?”

Tôi đổi thái độ cười dịu dàng: “Ừ anh Long, anh Long đẹp trai...”

Thằng Đạt khinh bỉ đáp lại: “Muộn rồi, ông ấy đã có bạn gái vào tuần trước...”

Vừa nghe thấy vậy, tôi liền gạt cả cái cốc xuống đất vỡ tan tành.

Tôi ngửa cổ lên trời khóc òa lên: “Trời với cả đất! Lại còn muốn tuyệt đường yêu đương của bà à?”

Bên ngoài đột nhiên có một đợt sấm rền trời, to tới mức dọa tôi nhảy dựng lên. Tôi lập tức hối lỗi, không dám chửi bới thêm nữa.

Cốc rượu vỡ không còn một mảnh, tôi liền trườn tới hũ rượu, dùng hết sức bình sinh nâng lên uống. Kết quả trên mặt tôi là rượu và nước mắt chan hòa.

Đạt lao vào giằng hũ rượu ra, tôi lại cấu tay nó để kéo lại. Qua lại một hồi thì tôi thấy mắt díu lại, đang đà giật về phía mình mà thả ra, Đạt bị hẫng ngã lăn xuống đất. Kỳ lạ là hũ rượu vẫn an toàn trong vòng tay của nó, tôi giơ ngón cái lên khen ngợi rồi lịm đi.

...

Có người đang cầm búa gõ vào đầu tôi, gõ gõ gõ. Tôi vùng dậy.

Không có ai cả, nhưng đầu tôi thật sự đau như muốn nứt ra vậy. Tôi xoa xoa hai thái dương, nheo mắt nhìn xung quanh, trời vẫn còn tối nhưng bên ngoài sét đánh ầm mĩ, mưa to xối xả.

Mở điện thoại ra vẫn là ngày hôm nay, còn chưa tới mười hai giờ đêm.

Tôi nhớ tới cảnh tượng khi nãy khóc lóc trước mặt thằng Đạt, cảm thấy xấu hổ cùng cực. Hình như sau đó tôi còn tỉnh dậy một lần, lúc ấy Đạt đang quét dọn chiến trường, không một lời xin lỗi hay cảm ơn mà lững thững leo cầu thang về phòng mình.

Và tiếp theo thì tôi đang ngồi đây, cố gắng lục lọi trí nhớ xem tối nay còn làm những chuyện gì khác đáng xấu hổ hay không.

Cả người tôi mang theo một cảm giác chật chội, bí bách. Đến lúc này tôi mới nhận ra mình không mặc bộ quần áo lúc tối. Tôi vội vã mở đèn, trong gương chính là bộ váy hoa cúc mà tôi đã được tặng rất lâu rồi.

Tôi sửng sốt, có lẽ khi say tôi đã lục tủ lấy ra nó để mặc. Vì sao nhỉ?

Còn đang thắc mắc thì tôi nghe thấy một tiếng động rất lớn ở bên ngoài phòng. Tôi lao ra ngoài, thấy phòng Đạt vẫn đang sáng đèn và trong đó thì vô cùng ầm ĩ.

Tôi chạy sang phòng nó, một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra.

Toàn bộ đèn trên Rosie đều đang nhấp nháy điên loạn, cỗ máy liên tục gây ra những tiếng động bất thường như thể các linh kiện bên trong đang đánh nhau vỡ đầu chảy máu.

Đạt luống cuống tay chân thu gom đồ đạc xung quanh chiếc máy, nó nói với giọng lo sợ hiếm có: “Mưa lớn mà em quên đóng cửa sổ, Rosie hứng không ít rồi. Giờ nó dở chứng, phải dọn hết đống đồ trong phòng em đi. Không được phép để đồ nhiễm xạ gần Rosie.”

Tôi nghe mà ngớ người, cảm thấy chân tay thừa thãi không biết phải làm gì.

Đạt thì chạy qua chạy lại, thấy vậy liền quát: “Đứng ỳ đấy làm gì? Tâm nhặt cái máy ở dưới bàn rồi cầm hộ em cái ba lô kia, nhanh lên!”

Đạt còn chưa nói hết câu, tôi đã nhặt nhạnh đầy đủ rồi tránh ra một bên. Xong xuôi, tôi quay ra nhìn Đạt chờ nó tiếp tục ra lệnh. Nó rất nhanh nhẹn, loáng cái xung quanh Rosie đã trở nên thoáng hơn hẳn cái bãi rác lúc trước.

Ánh mắt Đạt vừa lia tới tôi lập tức trở nên hốt hoảng, nó hét lên: “Tháo cái máy đếm ngược ra!”

Tôi bối rối đưa tay lên, còn chưa hiểu mình đã đeo chiếc máy đếm ngược vào tay từ khi nào thì trước mắt đã trở nên trắng xóa.

Cả người tôi bị va đập khắp nơi, không khí như bị rút cạn.

Dường như hít thở cũng là điều vô cùng khó khăn, cứ quờ quạng xung quanh tới bất lực cũng không tìm được bất cứ gì để nắm lấy khiến cơ thể tôi dần dần bỏ cuộc.

Ánh sáng tắt ngúm, màn đêm bao trùm.

Tôi đã an toàn nằm trên mặt đất, há miệng đón không khí khó khăn như cá sắp chết trên bờ.

Không thấy nghe tiếng thằng Đạt, mà nói đúng hơn là xung quanh yên ắng một cách dị thường. Tôi mệt lắm rồi, kệ, kệ hết đi!

Tôi lầm bầm nói với mình: “Hôm nay bà mày bị đá, sau đó say rượu, rồi lại tới thằng Đạt gây chuyện. Bà rất mệt, để yên cho bà ngủ.”

Tự trấn an xong xuôi, tôi nhắm chặt mắt lại. Không mất nhiều thời gian tôi đã ngủ say như chết, quyết tâm dù trời có sập thì tôi cũng không tỉnh dậy nữa đâu!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.