Mộng Giang Hồ

Chương 4: Chương 4: Long Quốc và Cửu Địa




Đoàn người ngựa đi liên tục hai ngày hai đêm, vượt qua rừng rậm Dã Phong ở biên giới Tâm Châu tiến vào Chấn Xứ. Cửu Địa có chín xứ lớn, trong đó Tâm Châu năm ở trung tâm Cửu Địa, còn Chấn Xứ nằm ở phía bắc Tâm Châu, nam sông Dưỡng Hải, là vùng đất rộng lớn giáp với Thiên Quốc. Chấn Xứ luôn là vùng đất có mật độ giao tranh ác liệt nhất giữa Long Quốc và Thiên Quốc.

Long Quốc không muốn quân Thiên Quốc áp sát tới biên giới của mình, đã hỗ trợ nhiều lực lượng địa phương nơi đây làm tiền phương chiến đấu với Thiên Quốc. Thiên Quốc muốn tiến đánh phía nam thì phải lấy được Chấn Xứ đầu tiên, do địa hình nơi đây thuận lợi nhất. Hết cách, trong ba xứ có biên giới với Thiên Quốc thì Càn Xứ ở phía tây bắc Cửu Địa là một vùng núi và cao nguyên, lại đa phần thuộc lãnh thổ Phi Thiên Ma Quốc, một nước nhỏ được coi là nửa cái đồng minh của Long Quốc. Phía đông bắc là Cấn Xứ địa hình cũng không khá khẩm hơn, là nơi sông Dưỡng Hải đổ ra biển nên có nhiều chi lưu nhỏ, giữa các chi lưu thường là các dãy núi dài và hẹp, các vách đá cao vạn trượng, đồng bằng nhỏ cùng nhiều đầm lầy, hiếm có địa hình thuận lợi cho chuyển quân. Ở đó lại là địa bàn của Nam Long thế gia, không dễ hành động. Nam Long thế gia là thế lực lớn nhất Cấn Xứ, tuy mang tiếng là chư hầu Thiên Quốc, song cao tầng Thiên Quốc không có ngu, một gia tộc kinh doanh ngàn năm, nội lực thật lớn, lại xảo trá, không ít lần cho Thiên Quốc nhận quả đắng. Tin tưởng vào đám cỏ đầu tường này có ngày chết oan, chỉ một lần bán đứng thì thiên quân vạn mã Thiên Quốc sợ sẽ lâm vào cảnh vạn kiếp bất phục. Vì vậy, muốn tiến xuống phía nam tốt nhất vẫn là phải thu phục được Chấn Xứ.

Chính trị Cửu Địa là một cái ngoại lệ, tuy đất đai rộng lớn màu mỡ xong lại không có một chính quyền riêng, các vùng đất chịu quản hạt bởi các môn phái, thế gia hoặc thế lực lớn có hậu thuẫn bởi tứ quốc. Thường xuyên có va chạm giữa các thế lực địa phương này để tranh giành quyền lợi, lãnh thổ và dân cư nhưng tuyệt nhiên không có một tổ chức chung đứng ra để đối đầu với giặc ngoại bang, vốn luôn thèm khát miếng bánh Cửu Địa như Thiên Quốc, Hải Quốc. Thế nhưng dù không có sự thống nhất về mặt đối ngoại xong Cửu Địa vẫn tồn tại hơn ngàn năm mà không bị thôn tính, điều đó tất cả là nhờ Long Quốc. Long Quốc và Cửu Địa hợp tác với phương châm cạnh hỗ. Do Cửu Địa cũng được coi là cố thổ của trăm chi long tộc, Long Quốc lại là long tộc hậu duệ thuần huyết nhất còn tồn tại nên hai bên có sự liên kết với nhau. Long Quốc sẽ hỗ trợ Cửu Địa chống lại Thiên Quốc, được coi là kẻ thù chung của long tộc năm xưa và Cửu Địa cùng Long Quốc bây giờ. Mối quan hệ này cực kỳ mật thiết, Long Quốc không muốn Thiên Quốc áp sát biên giới của mình, Cửu Địa cũng không muốn Thiên Quốc chiếm đất, đặt ách đô hộ, do đó từ ngàn năm trước các thế lực lớn Cửu Địa đã đạt thành hiệp nghị đồng ý cho Long Quốc đem quân chặn đánh Thiên Quốc ngay tại địa phận Cửu Địa đồng thời hỗ trợ tiền bạc, lương thực, sức người cho Long Quốc.

Đã từng có thời điểm, Cửu Địa nội loạn, Long Quốc suy yếu, Thiên Quốc mạnh mẽ chiếm đóng từ bắc xuống nam. Gần 700 năm trước, Long Đế huyền thoại Kính Thiên qua đời, đồng thời các thế lực Cửu Địa nội đấu, loạn thành một bầy. Thiên Quốc chớp cơ hội, đánh tan hai vùng đất này, đặt ách nô dịch lên cư dân bản địa trong hai mươi năm. Long Đế Lam Hải xuất hiện, đoàn kết lòng dân Long Quốc, đuổi đánh quân đô hộ ra khỏi bờ cõi, đồng thời hỗ trợ Cửu Chủ Tôn Hành của Cửu Địa đập tan tàn quân Thiên Quốc trên lãnh thổ Cửu Địa, khôi phục lại cố thổ long tộc. Lại nói 200 năm trước, Long Quốc nội loạn, khắp nơi tranh giành địa bàn, quân Thiên Quốc áp sát Chấn Xứ, tình hình ngàn cân treo sợi tóc. May mắn thay, loạn thế tạo anh hùng, Cửu Địa xuất hiện Cửu Chủ mới tên Mạc Kiến Thành, xuất thân lại chính là người Long Quốc, đứng ra tập hợp anh hùng hào kiệt Cửu Địa, tự mình nghênh địch mà không cần hỗ trợ của Long Quốc. Với sức mạnh và tài thao lược của mình, Mạc Kiến Thành được không chỉ người Cửu Địa tôn vinh mà tất cả cư dân Đông Thành đều coi ông là thiên cổ đệ nhất Cửu Chủ.

Lần gần đây nhất thiên binh vạn mã Thiên Quốc có thể tự do đi lại trên lãnh thổ Cửu Địa chính là gần 40 năm trước. Cửu Chủ Yến Thanh Phong đồng thời cũng là khai quốc tiên đế của Phi Thiên Ma Quốc đi đến Bờ Bên Kia, ngôi vị Cửu Chủ bỏ trống, các thế lực tranh giành quyền lực, tứ bề loạn. Long Quốc lại lục đục nội bộ suy yếu, quân Thiên Quốc dễ dàng chiếm cứ Cửu Địa, áp sát dãy Bách Long Sơn, biên giới tự nhiên giữa Cửu Địa và Long Quốc. Lịch sử lặp lại, loạn thế tạo anh hùng, Long Quốc xuất hiện bảy vị tướng tài, năm vị quan văn giỏi, trong dẹp nội loạn, ngoài hỗ trợ giang hồ Cửu Địa đuổi đánh quân Thiên Quốc. Mười hai người trên được sau được phong tước vương, dân cư Cửu Địa và Long Quốc thường gọi là Thập Nhị Quốc Trụ trong đó chia ra là Thất Tướng Long Vương và Ngũ Nhạc Long Vương.

Tuy có mối liên kết hết sức vi diệu xong bình thường cư dân Long Quốc và Cửu Địa không ưa nhau. Dân Cửu Địa khinh thường cư dân Long Quốc an phận tầm thường, dân Long Quốc lại chê người Cửu Địa là lũ mọi lai do phần đa cư dân Cửu Địa là hậu duệ có nửa dòng máu lai của người Thiên Quốc, kết quả của hàng nghìn năm chiến tranh, di dân và đồng hóa. Đó cũng là lý do mà dù Long Quốc có mạnh cũng sẽ không bao giờ có ý định thu hồi cố thổ Cửu Địa, không phải cùng tộc, tất có chí khác, dân số Cửu Địa cũng nhiều gấp mấy lần Long Quốc, không thể quản được.

Từ lâu, ở Đông Thành, Cửu Địa luôn được coi là thánh địa của võ lâm giang hồ, nơi tứ bề tự do, không bị câu thúc bởi triều đình như ở tứ đại quốc Thiên, Long, Câu, Hải. Chính vì lý do đó, có thể nói Cửu Địa cũng rất hỗn loạn, một lời không hợp đầu rơi máu chảy. Những chuyện đó ai quản, quản ai. Trừ phi là sinh hoạt ở những vùng đất phụ thuộc các thế lực lớn, còn nếu sống ở những vùng vô chủ thì chuyện cả làng bị đồ sát như tại thôn nhỏ của Cơm Trắng diễn ra như cơm bữa thường ngày.

Chim chết vì mồi, người chết vì tài. Dù nguy hiểm song không ai muốn từ bỏ mảnh đất màu mỡ của mình cả, vì vậy dân bản địa Cửu Địa có thể nói là rất cứng đầu, nên độ hiếu chiến cũng không thua kém bất kì dân tộc nào ở Đông Thành.

Thời điểm hiện tại, Cửu Địa vô chủ, thiên hạ loạn, ghế Cửu Chủ bỏ trống đã lâu, trăm giáo tranh giành quyền lực. Các thế lực ngầm cũng bắt đầu chuyển mình, phía bắc thiên quân vạn mã Thiên Quốc áp sát sông Dưỡng Hải, phía đông Hải Quốc không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng, Câu Quốc cũng không ngừng thẩm thấu các thế lực của mình vào Cửu Địa hòng múc một chén canh. Cửu Địa chưa bao giờ yên bình, các sự kiện thanh toán tàn khốc dù ngoài sáng hay trong tối xảy ra ngày càng nhiều, báo hiệu một thời kì đẫm máu sắp tới.

Lần này Khúc Long Vương và Thiên Vũ Vương cùng hơn một ngàn long kỵ Long Quốc tiến về thành Bắc Biên, nơi tập kết quân chủ lực của Long Quốc, chặn đánh các đợt công phá của Thiên Quốc. Thực chất, tướng tài Long Quốc nhiều như mây, nhưng vì mức độ quan trọng của trận chiến, Long Đế đích thân cử đến ba vị long vương trong Thất Tướng Long Vương để ứng đối, những người vốn đã quen thuộc với cao tầng Thiên Quốc. Thiên Quốc là quốc gia lớn nhất, mạnh nhất Đông Thành, do đó không thể coi thường.

Sau khi Khúc Long Vương giữa quảng trường Đại Thiên Đô lấy đầu hoàng đế Thiên Quốc, triều đình Long Quốc tuyên bố dùng thế ngang hàng về mặt ngoại giao với Thiên Quốc khiến thiên triều tức giận không thôi. Liên tục khiêu khích biên giới nhiều năm không ngớt, quyết trả thù cho quân chủ đồng thời gây sức ép lên lũ man di dám coi thường thiên triều. Tiếc là mấy chục năm hao binh tổn tướng, Thiên Quốc vẫn là không cách nào tiến được đến Tâm Châu, nói chi là áp sát biên giới Long Quốc. Không có cách, Long Quốc đang thịnh thế, binh tài tướng giỏi như mây, hiện tại đánh cũng không thể một sớm một chiều là giải quyết được, thập nhị vị long vương rường cột triều đình thì còn thập vị tại thế, tất cả lại không phải là kẻ ăn chay, nghe tiếng quân Thiên Quốc mới áp sát biên giới Cửu Địa, đồng lòng một tiếng đánh liền đánh, không e ngại bất cứ điều gì.

Lý do lần này Long Quốc chỉ mang có một ngàn kỵ binh lên cự địch của Long Quốc rất đơn giản, chủ yếu là hộ tống hai vị long vương tuổi lục tuần ra trận, bớt đi sự quấy nhiễu ngoài ý muốn của giang hồ Cửu Địa. Chiến sự thành Bắc Biên đã bước vào hồi mãn cuộc, việc có mặt của ba vị long vương chỉ là biện pháp đảm bảo mọi chuyện đi đúng quỹ đạo. Long Quốc và Thiên Quốc cần ngưng chiến. Chiến sự kéo dài khiến hai bên đều mỏi mệt, cần nghỉ ngơi. Đặc biệt là Thiên Quốc bị thiệt hại nặng nề hai thành trì phía nam là Nam Châu là Tung Châu với 5 vạn dân bị viên thống lĩnh trẻ tuổi tên Lý Văn Tuấn công thành, đồ sát sạch sẽ. Tình thế này khiến cho triều đình Thiên Quốc không khỏi nghĩ đến thoái ý.

Quân Thiên Quốc lúc này vẫn còn đóng ở một số nơi của Chấn Xứ, lấy tĩnh ứng biến, đợi phản ứng thu quan của Long Quốc, chưa dám rút hết quân về nước. Bên phía Long Quốc, một lượng lớn quân chủ lực đang chờ đợi sự chỉ huy trực tiếp của Khúc Long Vương nên cũng chưa có hành động...

......

Đoàn người rời khỏi rừng Dã Phong, đặt chân được đến một sơn cốc nhỏ tên là Dạ Môn Cốc, nằm trên con đường tiến vào Chấn Xứ, quanh năm tăm tối âm u. Đây là lần đầu tiên Cơm Trắng rời khỏi thôn nhỏ đi xa đến vậy, cũng là lần đầu được cưỡi ngựa, nên có chút chưa quen. Quãng đường dài, ngựa lại chạy nhanh khiến ruột gan hài tử lộn tùng phèo, thiếu mấy lần muốn nôn. Cơm Trắng không phải con nhà võ, nhà lại thiếu ăn kinh niên nên thân thể yếu nhược. Đi một quãng đường dài không ngừng nghỉ không khác nào là một cực hình với hắn.

“ Hí! Dừng lại, cho dựng trại ở đây.”

Thấy mặt trời đã ngả về tây, Khúc Long Vương cho đoàn dừng chân, nghỉ lại giữa chốn âm u này một đêm. Dẫu sao trời tối, sơn cốc lại âm u, ai mà biết có nguy hiểm gì. Được nghỉ ngơi, quân lính thở phào, bắt đầu cười nói vui vẻ, dẫu sao hai vị long vương cũng không phải nghiêm khắc đến nỗi không cho họ nói chuyện đi.

“ Tiểu tử! Xuống ngựa thôi, vừa ôm ngươi vừa di chuyển thật mệt chết ta.”- Phạm Tuyệt càu nhàu, nhảy xuống ngựa. Hắn cũng không có xấu tính, vẫn quay lại hai tay đỡ Cơm Trắng xuống ngựa.

Từ đằng xa, Tiểu Á tiến tới, cười nói: “ Này nhóc! Tên thô lỗ này không có bắt nạt em chứ?”

“ Hừ! Tiểu Á nàng nghĩ ta hẹp hòi đến thế sao? Ta cũng chưa đến mức so đo với một đứa trẻ đi.”- Phạm Tuyệt cau mày, không thoải mái.

“ Dạ, đa tạ Phạm đại trưởng binh đã vất vả ạ.”- Tiểu Á nhếch mép, đáp lễ giọng mỉa mai.

“ Hề hề! Tuy nghe không thật lòng nhưng ta thích.”- Phạm Tuyệt giả lả, nói xong bỏ đi.

Thấy Phạm Tuyệt bỏ đi, Tiểu Á lúc này mới quay lại hỏi Cơm Trắng: “ Em có mỏi lắm không?”

Cơm Trắng thật thà gật đầu, con mẹ nó ngồi sai tư thế, đi đường dài, xóc lên xóc xuống, không mệt mới lạ. Tiểu Á mỉm cười hiền từ, dắt Cơm Trắng đến đống lửa nhỏ gần đó. Phạm Tuyệt vậy mà ngồi đây từ trước nhất, hắn ngạc nhiên khi thấy Tiểu Á vậy mà chủ động đến chỗ mình ngồi. Thấy ánh mắt ngơ ngác của viên trưởng binh, Tiểu Á cười cười quát nhẹ: “ Sao, Phạm trưởng binh không ngại cho chúng ta ngồi cùng chứ.”

Phạm Tuyệt định thần lại, nói vấp: “ A.. không không! Ngồi... ngồi đi.”

Ngu sao mà không cho người đẹp ngồi cùng, hắn lại không có ngu đấy.

Hai người ngồi xuống, Phạm Tuyệt sau khoảnh khắc, định thần lại, tay dụm dụm đống lửa. Trong đống lửa vậy mà có mấy củ khoai, Cơm Trắng bạch nhãn lườm Phạm Tuyệt.

Viên trưởng binh tự nhiên rùng mình, để ý thấy ánh mắt của Cơm Trắng, cười giả lả: “ Nhìn cái gì mà nhìn! Ta chỉ là thấy số khoai bỏ lại phí quá nên mang theo thôi mà, ngươi chớ cùng ta so đo cái gì. Hừ! Ta nói thằng nhóc nhà ngươi, Phạm Tuyệt ta cũng là người chăm sóc ngươi cả đoạn đường dài, cũng chẳng phải ăn cắp ăn trộm gì, chỉ là tiện tay nhặt vài củ khoai, chả nhẽ tiếc ta mấy củ khoai nhà ngươi.”

Tiểu Á đang loay hoay sửa lại tóc, nghe Phạm Tuyệt kể lể, vô thức bụm miệng cười. Cơm Trắng cũng chẳng thèm so đo, mấy rổ khoai dẫu sao bỏ lại trong thôn cũng phí. Coi như làm lễ mọn trả công quân binh đã giúp hắn mai táng thôn nhỏ.

Tiểu Á rút ra từ trong túi áo một mẩu lương khô, đưa cho Cơm Trắng. Đồ ăn này từ bé đến lớn Cơm Trắng thật chưa được ăn bao giờ. Mấy ngày đường vừa đi vừa nghỉ, hắn cũng được Phạm Tuyệt đưa cho ăn mấy lần, thật là mê. Thứ đồ ăn hình viên này cưng cứng, ngọt ngọt, ăn rất vừa miệng, lại đủ no. Hắn thực sự rất thích, thì ra bên ngoài có nhiều thứ mới lạ, có nhiều món ăn ngon như vậy. Cũng không biết sau này sinh hoạt trong quân doanh Long Quốc có thường xuyên được ăn món này không.

“ Xem chừng tiểu tử này thật sự rất thích mấy miếng lương khô này đi. Ăn vài bữa sẽ chán ngay thôi, tốn nước thực sự”- Phạm Tuyệt nhếch môi, chọc ghẹo Cơm Trắng.

“ Cứ ăn từ từ thôi! Ta còn nhiều lắm, cẩn thận mắc nghẹn.”- Tiểu Á ôn nhu nói.

Cơm Trắng thực sự rất quý Tiểu Á. Nữ binh này rất tốt bụng, dù hắn kiệm lời không giao tiếp với nàng nhiều xong Tiểu Á vẫn kiên nhẫn chăm sóc hắn như em trai nàng. Chút tình thương đó sưởi ấm trái tim đáng thương lạnh lẽo của tiểu hài tử trong những ngày tháng khó khăn này.

Hắn bất chợt lại nhớ những ngày tháng khi xưa, mỗi ngày thời tiết trở rét, mưa nhiều, cha mẹ hắn thường vất vả ngược xuôi tích trữ củi và lương thực, ở nhà chỉ có hắn và Tiểu Trùng. Tiểu Trùng còn nhỏ, không chịu được đói, hắn thường phải nhường phần ăn của mình cho nó. Cảm giác che chở cho người thân đó giờ đây lại hiện hữu, và Tiểu Á là người che chở cho hắn. Cơm Trắng bật chợt tủi thân, bật khóc không thành tiếng, vừa ăn vừa khóc, nước mắt hòa với tro củi làm khuôn mặt hắn nhọ nhem, nom rất đáng thương.

“ Ta nói này, hài tử ngươi là một nam nhi, ít nhất cũng không được khóc a. Có buồn cũng chỉ được khóc trong lòng thôi, hiểu chưa. Ngươi khóc cho ai xem, ai thương ngươi chứ. Ngoài kia có hàng tá kẻ còn đáng thương hơn ngươi rất nhiều, không được khóc.”- Phạm Tuyệt chép miệng.

“ Nếu em buồn, cứ khóc thật to lên. Ở đây có ta thương là được rồi. Không nên giữ tủi thân ở trong lòng a. Nam nhi hay nữ nhi cũng cần được khóc chứ.”- Tiểu Á không cho là đúng, an ủi Cơm Trắng. Không biết tại sao, mỗi lần nhìn thấy Cơm Trắng nàng lại nhớ đến em trai ở quê nhà, hắn cũng tầm tuổi như vậy, chỉ là được cha mẹ bảo bọc, không có khổ sở như Cơm Trắng vậy.

Thấy được thái độ của Tiểu Á, viên trưởng binh cũng chỉ lắc đầu. Hắn cũng không muốn xen vào chuyện cá nhân của người khác. Trên đời có người nào không từng khổ đau, nếu cứ một lần đau lại phải khóc, vậy bao nhiêu nước mắt cho đủ. Nam nhi trời sinh đã ưu ái sức khỏe hơn người, sức chịu đựng cũng phải theo đó mà tăng lên, đồng thời luôn phải tự nhủ bản thân không được gục ngã. Khi ngươi mềm yếu, ngươi sẽ không thể bảo vệ được những người bên cạnh mình. Đối với những người thế hệ hắn, lớn lên ở Long Quốc thời hậu loạn là may mắn, thế nhưng không phải ai cũng vậy. Cha Phạm Tuyệt là tử sĩ thời loạn, nếu hắn mềm yếu, vậy ai sẽ giúp mẹ hắn chăm sóc các em thơ chứ. Đối với hắn, mọi mất mát đều không quan trọng, chỉ cần một lòng tiến về phía trước, tất cả đều sẽ tốt đẹp ở cuối con đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.