Tứ Thời Điềm Viện

Chương 3: Chương 3: Cây lựu




EDIT & BETA: urlittleflower_9 (Hoa Quỳnh Nhỏ)

***

Trước khi đọc chương này thì xin mọi người hãy dành ít giây để đọc vài dòng dưới đây nha.

Trong tiếng Trung, quả lựu hay cây lựu được gọi là “thạch lựu”, khác với nước mình ở chỗ người ta có chữ “thạch” đằng trước. Bình thường khi edit mình đều ghi là “lựu” cho quen thuộc với người Việt, nhưng trong chương, giữa nam-nữ chính có vài hiểu lầm xoay quanh từ này, nên đôi chỗ mình sẽ để nguyên văn là “thạch lựu” nhé.

***

Đàn nhạn di trú về phương Nam bay ngang bầu trời trấn Nhược Lựu, mấy cây lựu trên đồi còn sót lại tầm chục quả hơn, màu đỏ tươi nổi bật giữa tán lá xum xuê, hấp dẫn đến nỗi đàn nhạn phải nán lại vờn quanh vài vòng, tiếng nhạn kêu vang núi rừng.

Mặt trời đã lên cao, Hạ Ý đang ngồi trước sân, cuối cùng nàng cũng hoàn thành mũi thêu cuối cùng. Nàng đặt giỏ kim chỉ lên bàn đá, khẽ vươn vai rồi vào phòng mang xiêm y của cha Hạ ra sân.

Nàng chỉ vừa đặt chân ra khỏi cửa đã nghe thấy tiếng kêu “thạch lựu” của ai đó ở Tây phòng, suýt chút nữa đã vấp ngã, nàng ghé mắt nhìn sang.

Không lẽ tiểu ca ca này ngủ nhiều nên mụ mị đầu óc rồi sao? Chỉ mỗi việc ăn một quả lựu thôi mà huynh ấy phải nhắc đi nhắc lại trong mơ? Nghĩ lại mới thấy, hình như hôm qua huynh ấy đến đây sau một chặng đường dài, chắc mệt mỏi quá nên mới ngủ sâu đến vậy.

Không biết gia đình huynh ấy đã xảy ra chuyện gì... Truyện Huyền Huyễn

Nghĩ đến cây lựu, nàng đặt áo quần của cha vào giỏ may, sau đó đi vòng quanh dưới gốc cây lựu mấy vòng.

Nàng lấy cây sào trúc đang gác bên chân tường, leo lên chiếc ghế đẩu để đập quả lựu ở tít trên cao, sau một hồi vất vả thì quả lựu cũng rơi xuống thảm cỏ dưới chân.

Nàng bước xuống nhặt lấy, lá xanh rơi rụng khắp sân khiến nàng khổ không sao kể xiết.

Cây lựu trước sân được cha mẹ nàng chăm bẵm từ khi nó mới chỉ là một cây non, họ trồng vào thuở mới đến trấn Nhược Lựu, thế nên Hạ Ý biết rằng cây lựu này quý giá nhường nào đối với cha. Hơn nữa, dù không phải do tự tay nàng trồng nên, nhưng đây lại là người bạn lớn lên cùng nàng, thế mà bây giờ nàng lại khiến nó bị thương, tội lỗi quá phải không?

Nàng thở dài, ngồi xổm xuống gom đống lá xanh rơi tán loạn về lại dưới gốc cây lựu, thì thầm hứa hẹn, “Yên tâm nhé, sau này ta không đánh ngươi nữa đâu.”

Việc này vẫn nên để cha làm giúp thì hơn...

“Khụ...” Âm thanh của Cảnh Thâm vang lên ở phía sau.

Hạ Ý quay đầu hỏi: “Huynh dậy rồi?”

“Ừ. Làm muội giật mình sao?” Lúc hắn chuẩn bị xong xuôi để ra ngoài thì thấy nàng đang ngồi quay lưng lẩm bẩm gì đó dưới tán cây, hắn sợ mình lại gần sẽ làm nàng giật mình nên mới ho một tiếng để nàng nhận ra.

“Không đâu.” Hạ Ý lén nhìn hắn, thấy hắn vẫn còn ngại ngùng nên nàng tỏ ra ân cần như một vị trưởng bối, “Lúc nãy muội nghe huynh nói 'thạch lựu' ở trong phòng, quả này cho huynh đấy.”

Quả lựu đỏ lốm đốm nốt nâu nằm trọn trong tay nàng, mất một lúc sau Cảnh Thâm mới nhận ra... chắc chắn nàng đã nghe nhầm 'Thập Lục' thành 'thạch lựu'. [1]

[1] 十六 /shí liù/ – Thập Lục và 石榴 /shí liù/ – thạch lựu. Hai từ này có phát âm giống nhau nên Hạ Ý đã nghe nhầm. Cho bạn nào hong nhớ thì Thập Lục là người hầu thân cận của nam chính, có xuất hiện trong Chương 1.

“Tiếng gọi 'Thập Lục' này không phải là...” hắn đang muốn giải thích, không ngờ tiểu cô nương chỉ “Ôi chao” một tiếng rồi bước tới cạnh giếng múc nước.

Hóa ra khi đưa quả lựu cho hắn, nàng phát hiện do lúc nãy vùi lá cây nên tay mình bị dơ.

Nàng cố hết sức nắm chặt ròng rọc để kéo nước từ giếng lên, thấy vậy, bản lĩnh nam nhi trong Cảnh Thâm chợt thức tỉnh, “Để ta làm.”

Trên tay nàng vẫn còn cầm quả lựu nên không đủ lực để kéo ròng rọc, nếu hắn đã muốn giúp thì sao nàng lại không đồng ý, nghĩ thế, nàng buông tay ra, thùng gỗ va chạm mạnh vào đáy giếng.

Thiếu niên thường xuyên đi săn nên sức cũng mạnh hơn, hắn dễ dàng kéo lên một thùng nước đầy ắp, khóe miệng khẽ cong lên.

Tiểu cô nương cầm quả lựu bảo hắn: “Huynh lấy nhiều nước quá, bớt một ít lại!”

“...” Cảnh Thâm làm theo.

“Tay muội đang dơ, huynh múc nước đổ lên tay giúp muội được không?”

“Được.”

Cảnh Thâm cầm gáo bầu, múc từng gáo nhỏ đổ nước lên tay nàng và quả lựu. Ánh mắt hắn thoáng để ý đôi tay, đúng là tay con gái, trắng mịn sạch sẽ...

Hắn nhớ hồi nhỏ hắn rất thích nghịch tay Xuân Nương, hỏi sao tay Xuân Nương lại thô ráp như vậy, Xuân Nương đáp rằng đây là vết chai để lại do nấu cơm giặt giũ. Ấy...

“Đủ rồi.” Nàng nhẹ nhàng cất tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của hắn.

“Ồ.” Cảnh Thâm cầm gáo nước ngay ngắn lại.

“Tặng huynh quả lựu này.” Nàng đưa tay ra lần nữa, quả lựu vẫn còn đọng nước nằm yên trên đôi tay sạch sẽ của nàng.

Hắn không tiếp tục giải thích “Thập Lục chứ không phải thạch lựu”, nhận lấy, “Hôm nay ta chỉ cần nửa quả thôi.”

“Được.”

Nàng đồng ý nhanh như thế khiến hắn không kịp trở tay... Hắn đành đặt lại gáo nước vào thùng gỗ, dùng tay không bẻ lựu rồi đưa nàng phần lớn hơn.

“Muội muốn ăn nửa nhỏ hơn.”

Cảnh Thâm bình tĩnh nói dối: “Đây chính là nửa nhỏ hơn.” Sau lại còn ngụy biện, “Bên trong quả lựu có bao nhiêu hạt chúng ta đâu đếm được, chỉ là ta cảm thấy nửa của ta lớn hơn.”

Hạ Ý không thể hiểu nổi lý lẽ này của hắn, nhưng nàng vẫn nhận nửa quả hắn đưa, đang bóc vỏ thì nàng nhớ ra một chuyện: “Suýt nữa thì quên mất... Cha muội có chừa cho huynh một bát cháo ở nhà chính, dặn muội khi nào huynh dậy thì hâm nóng cho huynh ăn, bây giờ huynh đi dùng cháo nhé.”

Ăn cháo thì cũng được thôi, nhưng “cháo nóng” thì khiến Cảnh Thâm hơi e dè, hắn sợ làm phiền nàng phải cất công hâm cháo cho hắn, hắn nắm chặt quả lựu: “Không cần hâm, ta ăn vậy cũng được.”

Dù đang là giữa thu nhưng thời tiết hãy còn ấm áp, ăn vài miếng cháo lạnh cũng không sao.

Thế là mỗi người cầm nửa quả lựu đường ai nấy đi – một người đến sảnh nhà húp cháo mùa thu, người còn lại ngồi dưới gốc cây lựu vá áo cho cha.

Cảnh Thâm đi vào nhà chính thì thấy trên bàn có đúng mỗi một bát cháo trắng và nửa đĩa rau cải, hắn nghẹn lời chốc lát...

Đây là cháo của người vùng quê sao? Chỉ một bát cháo trắng và nửa đĩa cải xanh?

Tuy trong lòng chán chường nhưng động tác múc cháo của hắn lại chẳng chậm, bát đĩa nhanh chóng thấy đáy, hắn nhìn bát đĩa sáng loáng mà chìm vào suy tư vô hạn, một lúc sau mới đứng dậy dọn dẹp.

Xưa nay chắc không có ai làm thế tử mà khổ như hắn đâu nhỉ?

Cánh cửa nối liền gian nhà chính và phòng bếp được treo hai bức rèm, lớp rèm mỏng bên ngoài chắc được treo lên cho đẹp mắt, trên nền lam nhạt được điểm xuyết vài nhành mẫu đơn xanh trắng cùng mấy cánh bướm dập dờn.

Đêm qua hắn đã vào đây một lần, nhưng trời tối quá nên khó thấy rõ, bây giờ mới nhận ra, phòng bếp này tuy nhỏ mà cũng khá ngăn nắp đấy chứ.

Hắn tìm nước, xong xuôi lại thử rửa chén một cách miễn cưỡng. Dù chưa từng làm việc này bao giờ, nhưng đống bát đĩa cỏn con sao làm khó được hắn?

Vừa mới tự khoác lác với bản thân xong, chiếc đĩa trên tay hắn trượt tuột xuống, lăn nửa vòng rồi bay ra khỏi bếp rơi trên mặt đất. Bây giờ chụp cũng không chụp kịp, may là hắn chơi thúc cúc [2] khá tốt nên có thể nhanh nhẹn dùng mu bàn chân giữ lại chiếc đĩa trơn, hắn thở phào nhẹ nhõm.

[2]: Thúc cúc – 蹴鞠. Thúc cúc là một trò chơi bóng đá cổ đại Trung Quốc. Trò chơi này cũng được chơi ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đây là trò chơi mang tính cạnh tranh, mục đích là đá quả bóng vào lưới mà không được phép dùng tay. (Nguồn: Wikipedia)

Có vẻ là do rau cải nhờn quá.

Không để hắn vui vẻ quá lâu, chiếc đĩa nhân lúc hắn lơi là mà tuột ra ngoài lần nữa, rơi xuống mặt đất phát ra tiếng kêu lanh lảnh.

Cuối cùng vẫn vỡ, Cảnh Thâm cau mày trong vô thức.

“Chuyện gì vậy?” Hạ Ý đang ngồi trước sân, nghe thấy âm thanh bèn chạy vào.

“Ta...” Cảnh Thâm không dám nhìn thẳng vào nàng, cứ muốn nói lại thôi, hắn chỉ muốn rửa bát thôi mà? Tâm trạng của hắn bây giờ giống hệt ngày đi săn, khi phải chờ đợi Cảnh Tùy quay về, chẳng qua hôm ấy hắn phải đối mặt với Phụ vương, thậm chí với Hoàng đế, còn hôm nay chỉ có một cô bé vùng quê.

“Không sao, để muội dọn dẹp.” Hình như khi nào nàng cũng nói chuyện chậm rãi, lúc an ủi người khác giọng nàng càng dịu ngọt hơn. Nàng lấy cây chổi dựng bên góc tường quét sạch mảnh sứ vỡ.

Cảnh Thâm càng thêm rầu, hắn có lòng muốn rửa chén giúp nhưng cuối cùng chẳng ra đâu vào đâu, lại còn tạo thêm phiền toái cho nàng. Nhìn nàng bình tĩnh dọn mảnh vỡ, sau đó rửa sạch đống bát càng khiến hắn bối rối.

“Ta ra ngoài dạo một lát.”

“À được, nhưng mà huynh có biết đường không?”

“Ta không đi xa đâu.” Cảnh Thâm xoay người toan rời đi, nhưng nàng đang chật vật với tay lên kệ, hắn do dự một chút rồi quyết định giúp nàng xong mới ra ngoài. Lúc đi ngang qua bàn đá trước sân hắn thoáng thấy bộ xiêm y cũ sờn đã được vá lại một nửa, vô thức thả chậm bước chân.

Tiên sinh thật sự thiếu thốn đến mức này sao, vậy thì màn giường của hắn... dù sao mùa hè cũng đã qua rồi, không có cũng không sao, hắn cũng chẳng sống ở đây được bao lâu.

***

Hạ Ý đứng trong bếp nhìn Cảnh Thâm ra khỏi nhà, nàng xoa chóp mũi một lát rồi mới quay lại tiếp tục công việc dang dở.

Bộ xiêm y này cha nàng đã mang được mười năm, chính tay mẹ nàng đã thêu hoa lựu lên đó, hình thêu giống hệt với những chiếc váy lúc bé của nàng, chẳng qua bây giờ nàng lớn rồi nên chẳng thể mang vừa nữa.

Vá xong cũng đã đến giữa trưa, nàng nhét chiếc khăn tay thêu xong khi sáng vào trong ngực rồi ra ngoài, sau khi đóng cửa nàng mới nhớ... nàng quên dặn Cảnh Thâm hôm nay sẽ dùng cơm trưa ở trường học.

...

Nhà nàng ở phía Đông trấn Nhược Lựu, nhà bà Chi và trường học lại nằm ở đằng Tây, nếu Cảnh Thâm chỉ đi dạo quanh đây thì chắc người trong thôn sẽ bắt gặp huynh ấy.

Trên đường sang nhà bà Chi, thấy ai nàng cũng lại gần hỏi họ rằng có trông thấy một chàng thiếu niên cao gầy, bận xiêm y màu lam hay không.

Có người chỉ lắc đầu, có người lại khó hiểu không biết tiểu cô nương Hạ gia đang hỏi về ai, chỉ mỗi bà Ngô làm nghề đan sọt trả lời là bà từng nhìn thấy, nhưng bà xua tay: “Không đúng, người cháu hỏi là nam tử, người ta gặp là một cô nương cơ.”

Hạ Ý cười vui vẻ, nàng biết cô nương xinh đẹp mà bà Ngô nhắc đến không ai khác ngoài Cảnh Thâm nên hỏi lại: “Vậy cô nương đó đi đâu rồi ạ?”

Bà Ngô nhăn mặt suy nghĩ một lát: “Không biết, không biết nữa...”

Thôi vậy, Hạ Ý gãi đầu, trấn Nhược Lựu đâu phải quá lớn mà sao tìm mãi không thấy người được, có khi nào huynh ấy leo núi hay xuống đồng chơi rồi không? Tiểu cô nương vừa đi vừa trầm tư, nhanh chóng đến trước cổng nhà bà Chi, nàng đẩy cửa bước vào trong.

Bà Chi là người dạy thêu thùa cho mấy cô nương trẻ tuổi, tên gọi là Quân Chi, nhưng họ của bà là gì thì không ai biết, ngay cả cha Hạ cũng không. Tuy nhiên, tay nghề thêu thùa của bà tinh tế, chắc chắn không chỉ là một bà lão thôn quê bình thường.

Bà Chi đang đứng canh một nồi cháo loãng sôi sùng sục, thấy Hạ Ý lặng lẽ đẩy cửa vào như chú chuột nhỏ bèn cười tít mắt.

“Sao bà lại ăn cháo thế ạ?” Hạ Ý nhíu mày, trông nàng có vẻ còn đáng thương hơn người phải ăn cháo là bà đây.

“Răng yếu quá.” Tuổi bà chưa lớn lắm nhưng răng đã không còn tốt như trước, bà mỉm cười, đang muốn ngồi xuống dập lửa thì Hạ Ý đã nhanh tay làm trước.

Bà vui vẻ bảo con bé ngốc, sau lại nói thêm: “Trong nhà có hạt bạch quả rang do Lý Nguyên mang từ trên huyện về đấy, cháu mang về mà ăn, dù sao bây giờ ta cũng không nhai được...”

“Sau này bà dặn Lý thúc thúc đừng mua đồ tặng bà nữa, chỉ toàn để con bé Hạ gia hưởng lợi thôi.” Hạ Ý múc cho bà một bát cháo đặt lên bàn.

Bà Chi cười mãi không ngừng: “Con bé này, ai lại tự nói mình như vậy chứ? Cháu đã thêu xong đóa phù dung đó chưa?” [3]

[3] Hoa Phù dung: loài hoa thuộc chi Dâm bụt, rất dễ tàn.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

“Đây ạ.” Bây giờ nàng mới nhớ chuyện này, móc chiếc khăn tay trong ngực ra đưa cho bà.

“Trong phòng tối quá, chốc nữa ăn xong chúng ta ra trước sân xem.” Bà cầm lấy chiếc khăn, ăn một ngụm cháo rồi dặn nàng, “Cháu vào phòng ta lấy hạt bạch quả đi.”

“Ôi...” Hạ Ý rời đi một lúc, ôm theo một túi giấy dầu bọc hạt bạch quả quay lại.

“Mang đến trường học ăn cùng cha cháu. Mấy giờ rồi nhỉ...” Bà lão tự lẩm bẩm trong miệng, khi nhận ra thì vội đuổi nàng, “Ôi trời, bây giờ chắc cha cháu đang đợi cháu đến ăn cơm đấy, còn không mau lên.:

Nàng mỉm cười ngây ngô, móc một nắm hạt trong túi đưa cho bà: “Bà ơi, bà nhớ ngủ một giấc rồi xem khăn cho cháu nhé, sau giờ Ngọ cháu sẽ tới.” [4]

[4] Giờ Ngọ: 11:00 – 13:00

“Được rồi, được rồi...” Bà Chi liên tục giục nàng.

Hạ Ý không nán lại lâu nữa mà nhanh chóng chạy ra ngoài. Cách nhà bà Chi không xa có một cây cầu gỗ bắc ngang qua Huyền Diểu Đường, “Huyền Diểu Đường” là ba chữ được lấy từ câu “Thụ diểu ngọc đường huyền” của Đỗ Thẩm Ngôn, vừa nghe cái tên này là nàng đã thích vô cùng.

Càng đến gần Huyền Diểu Đường thì mùi thức ăn càng rõ hơn, nhưng sao nàng cứ cảm thấy thiêu thiếu cái gì nhỉ...

Mọi người đều biết Hạ tiên sinh nấu cơm tại trường học, nhưng họ lại không biết rằng việc để mùi khói bếp bay lan ở nơi học tập là chuyện không phù hợp, chỉ đơn giản nghĩ tiên sinh đúng là một người tử tế và có trách nhiệm.

Lúc mới đến trấn Nhược Lựu, Hạ tiên sinh tiêu một số tiền lớn để xây trường học dưới chân núi Lưu, từ thôn chính đến đây khá xa khiến mọi người trong thôn lại càng khó hiểu hơn, họ kháo nhau rằng vẫn nên tránh xa cái nơi kỳ lạ này thì hơn.

Nhưng lý trưởng ở đây là người biết chữ, sau buổi nói chuyện cùng Hạ tiên sinh ông đã giúp đỡ hết mình, bấy giờ trường học mới dần dần nhận thêm hai, ba học sinh.

Sau này, tên mấy đứa con trong nhà lý trưởng đều do Hạ tiên sinh đặt cho, lại sau đó nữa, Hạ tiên sinh dần trở thành người đảm nhiệm trọng trách đặt tên cho bọn trẻ mới sinh trong thôn. Học phí mỗi năm ở đây cũng không quá nhiều, nhà nào có con đến tuổi, gia cảnh dư dả một chút, sẽ gửi con vào trường học.

Người dân ở Nhược Lựu đều nghĩ, trường học này là của Hạ tiên sinh, ông muốn làm gì bên trong đều là chuyện thường tình.

“Cha ơi!” Hạ Ý đi vào sân sau của trường học, nàng gọi một tiếng.

Cha Hạ đang đảo chảo xào rau, ông quay đầu nhìn con gái đang đứng ngoài cửa, nói: “Hôm nay con đến đúng giờ nhỉ, dọn thức ăn lên đi.”

“Vâng!”

“Con đang cầm gì thế?”

“Hạt bạch quả bà Chi cho con đấy ạ.” Nàng dừng lời, “Cha nói với Lý thúc sau này đừng mang mấy món đồ ăn cứng cho bà Chi nữa, bà nào ăn được đâu.”

“Vậy con cứ ăn hết đi.”

Hai cha con vừa trò chuyện vừa dọn thức ăn sang phòng bên, Hạ Ý thấy hôm nay có nhiều món hơn thường ngày, nụ cười bên môi nàng chợt tắt, nàng chớp mắt: “Chết mất... con quên gọi Cảnh Thâm.”

Không những nàng mà ngay cả Hạ tiên sinh cũng quên.

Hạ Ý gãi đầu, nàng kể cho cha nghe chuyện Cảnh Thâm muốn ra ngoài đi dạo.

Cha Hạ sợ nàng đói bụng, bèn bảo: “Con cứ ăn trước, cậu ta đã lớn như vậy rồi, thấy không có ai ở nhà thì cũng sẽ đi hỏi xung quanh xem trường học ở đâu, hơn nữa nếu đói bụng thì biết tự tìm cách thôi.”

Cũng... hợp lý.

Nàng chậm rãi ăn cơm, sau khi xong xuôi thì leo lên giường tre chợp mắt một lát, khi nàng tỉnh dậy trong trường đã có tiếng đọc sách, thế nên nàng lặng lẽ quay về nhà bà Chi, lắng nghe bà chỉ ra những chỗ đã tốt và chưa tốt, sau đó phải ở lại thêu hoa phượng tiên [5] lên khăn thì mới được về nhà.

[5] Hoa phượng tiên hay còn được gọi là cây bóng nước.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Lúc về đến trước nhà, trong lòng nàng đâm ra chột dạ, bây giờ đã là giờ Dậu mà huynh ấy vẫn chưa ăn gì, chắc là đói lả rồi? Nhưng khác với suy nghĩ của nàng, trong nhà bây giờ chẳng có ai...

Huynh ấy đâu?

Nàng toan ra ngoài tìm hắn, nhưng vừa ra khỏi cổng nàng đã ngây người. Cách đó vài bước là một thiếu niên, tóc tai hắn lộn xộn, trên khuôn mặt trắng nõn là mấy vết thương ửng hồng, đôi mắt hoa đào đỏ bừng làm nổi bật lên con ngươi đen và sáng, dưới đáy mắt dường như còn vương một tầng nước mắt...

Hạ Ý giật mình, nàng tức đến mức hai lỗ tai đỏ lên, giọng nói không còn ngọt ngào bình tĩnh như thường ngày, nàng cao giọng hỏi hắn: “Ai đánh huynh?”

***

Tác giả có lời muốn nói

Câu hỏi trắc nghiệm

1. Hiểu lầm lớn nhất của Cảnh Thâm là:

A. Kiên nhẫn nào, ở thêm vài hôm nữa là được về nhà rồi.

B. Tiên sinh nghèo quá, áo quần cũ vậy rồi mà còn mang.

2. Hiểu lầm lớn nhất của Hạ Ý là:

A. Ai dám bắt nạt tiểu ca ca yếu đuối của ta!

B. Huynh ấy đáng thương thật, còn nhỏ mà đã không có nhà để về.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.