Tự Truyện Tâm Linh - Nghiệp Âm

Chương 33: Chương 33: Cô Bé Thượng Ngàn




Chúng tôi ngược đường đến một miền sơn cước khi trời đã về khuya. Thầy Hữu cùng anh Thuận sau quãng thời gian nghiên cứu tấm địa đồ thì vẫn chưa tìm được câu trả lời cụ thể. Hiện thời chỉ có thể đoán biết rằng thứ bảo vật đương nằm ven một con suối thuộc địa hạt huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn. Dừng chân tại quán trọ ven đường, thầy Hữu tập hợp chúng tôi lại để phân chia đầu việc. Theo đó, thầy Hữu cùng tôi và anh Thuận sẽ đi sâu vào trong núi theo sự chỉ dẫn của một người bản địa. Mọi thứ ở vòng ngoài buộc lòng phải trông cậy vào bác tài, nếu như có biến thì chúng tôi sẽ đánh điện cho bác để thuê người thạo đường lên cứu cánh.

-Chúng ta cùng nhau đến được đây đã là một cơ duyên hiếm gặp. Lần này hai con theo chân ta đi tìm bảo vật quả thực là lành ít dữ nhiều. Giữa cái nơi rừng thiêng nước độc này chẳng ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Họa chăng, nếu như tai họa ập đến, hy vọng hai con luôn giữ được sự tỉnh táo để cứu lấy thân mình.

Thầy Hữu nói vậy chứng tỏ chuyến này ngay cả bản thân của thầy cũng khó lòng mà đảm bảo được sự an toàn của chính mình chứ đừng nói gì tới tôi và anh Thuận. Dẫu vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng, chuyến đi lần này ắt sẽ có thu hoạch đáng kể. Phần vì trong mấy người chúng tôi chẳng hề có ai nao núng trước lời cảnh báo của thầy Hữu, phần cũng vì sự hiếu kỳ nhất định của bản thân mỗi người đối với những việc kỳ bí nơi non ngàn. Đoạn anh Thuận ghé tai nói nhỏ với tôi,

-Sao tự dưng anh thấy lạnh quá, từ khi lên đến cái đất này anh cứ cảm thấy bất an. Sợ thì không phải là sợ, nhưng anh đang thấy mình giống hệt như bị theo dõi.

Anh Thuận nói rồi ngó quanh một vòng ra vẻ như nghiêm trọng lắm, con người này tuy hành động xuề xòa nhưng thực chất mọi việc đối với anh ta đều có phần chu toàn. Nếu như linh tính của anh Thuận đã có điềm báo trước như vậy, chắc chắn lần này vạn sự bất cầu nhân. Tôi liền quay sang đối đáp với anh Thuận thêm vài câu nữa thì thầy Hữu cũng đồng thời ra dấu cho chúng tôi lên đường. Ngọn núi phía trước vẫn đang rầu rĩ dưới sự che phủ của màn đêm tịch mịch. Thỉnh thoảng, vài tiếng chim ca thú hát bỗng vọng về từ ngàn trùng như thể đương mời gọi con người ta đến với sự bí ẩn của miền sơn cước.

Chúng tôi đi theo sự chỉ dẫn của người bản địa được quá bảy số thì cùng đường. Trước mặt chỉ thấy trùng trùng điệp điệp là những ngọn cây cao vút, tán cây xòe rộng rủ cả xuống mặt đất tựa hồ như sự bao bọc của núi rừng đối với cái màn đêm u uất trên đất mẹ. Vài nguồn sáng yếu ớt từ chiếc đèn điện cầm tay không đủ để chúng tôi nhìn rõ được sự khuất ám sau những thảm cỏ chi chít đương quấn lấy cổ chân người đi đường. Anh Thuận và người bản địa phải xưng phong đi trước hòng mở đường, còn thầy Hữu cùng tôi ở phía sau cứ thế mà men theo, tất cả phải bám sát nhau vì nơi này cây cao núi hiểm nếu như có lạc thì quả thực là khó sống. Chốc chốc, tiếng chim rừng lại ngân lên cao tít khiến cho con người ta bớt đi được phần nào là sự cô liêu, quạnh vắng. Chợt, anh Thuận và người bản địa khựng lại, khuôn mặt lộ rõ là sự sửng sốt, họ chỉ tay sang hai bên rồi quay lại nói với thầy Hữu,

-Hình như chúng ta lạc rồi.

Thầy Hữu vội vàng đáp,

-Sao có thể lạc được, ông là người bản địa ở đây, chẳng lẽ lại không biết nhìn bản đồ xem đi hướng nào hay sao?

Người dẫn đường khuôn mặt ủ rũ, ông ta nói,

-Tôi ở đây từ nhỏ, cuộc đời gắn với núi rừng, đến từng ngọn cỏ, tán cây, cái nào lớn bé cao thấp ra sao tôi cũng đều nắm trong lòng bàn tay. Mấy người thuê tôi thì ắt bản thân tôi sẽ có trách nhiệm đưa mấy người đến nơi đến chốn. Theo như địa đồ trên tấm vải này thì chỉ cần thẳng hướng bắc mà đi chừng hai cây số nữa là ắt sẽ đến được hồ nước. Việc lạc đường trên núi rừng tất có nguyên nhân của nó, không biết lý do thật sự mà mấy người muốn lên đây là để làm gì?

Thầy Hữu chần chừ, ban đầu chúng tôi định giấu người này về mục đích của chuyến đi. Phàm là con người, khi nghe đến việc đi tìm bảo vật thì liệu rằng có thể thoát khỏi được vòng lặp của sự tham lận. Chính vì thế, để đảm bảo cho mọi thứ được an toàn, chúng tôi buộc lòng phải giữ kín thông tin. Mãi cho đến khi người dẫn đường nhất quyết khẳng định rằng việc lạc đường có liên quan tới gốc rễ của vấn đề mà chúng tôi đang giấu kín nên thầy Hữu mới phân trần,

-Mấy người chúng tôi từ dưới xuôi lên đây cũng chẳng có mục đích gì cao siêu cả. Thực lòng cũng chỉ là muốn mượn tiền nhân một món đồ vật để cứu người. Sơ qua như vậy có lẽ bác sẽ hiểu.

Người đàn ông trung tuổi đứng phía đối diện nghe xong thì chừng mắt. Có lẽ những gì mà thầy Hữu vừa nói đã khiến cho ông ta không khỏi kinh ngạc. Đoạn ông ta châm điếu thuốc để lấy lại bình tĩnh, giọng nói lúc đó tự nhiên có phần dè chừng, e ngại,

-Ý ông là mượn của người đã khuất ấy à? Cái này thì tôi không giúp được mấy người rồi. Trước đây tại khu rừng này cũng từng có mấy người kéo nhau đến để đi tìm cổ vật, họ cũng thuê tôi như mấy người. Nhưng đấy, mấy người xem, ai cũng như ai cả thôi, quanh đi quẩn lại một lúc là cùng đường, không đi tiếp được. Bản thân tôi đã quen sống với núi rừng nên tìm kiếm đường về thì nhanh lắm, mấy người có muốn về thì tôi dẫn đi. Chứ còn nếu tiếp tục hành trình này thì tôi xin phép được dừng lại, có tiền tôi cũng chịu, đi tiếp ắt tự rước họa vào thân. Tôi còn gia đình nên không thể liều mạng vì mấy người được.

Thầy Hữu càng ra sức thuyết phục thì người đan ông này lại càng cố gắng khước từ. Ông ta một mực khẳng định rằng sẽ có người phải vong mạng nơi rừng thiêng nước độc nếu như cố gắng đi tiếp. Bất đắc dĩ, chúng tôi đành phải tự mình hành sự một cách đơn độc. Trước khi rời đi, người đàn ông trung tuổi không quên chỉ điểm cho chúng tôi về đường đi nước bước. Khi cái màn đêm đen tuyền phía trước vừa kịp nuốt trọn đi dáng dấp của người đàn ông bản xứ, anh Thuận mới quay sang thầy Hữu mà nói,

-Những người như này thật khó lòng tin tưởng, ông ta đã nắm rõ trong lòng bàn tay mươi phần của tấm địa đồ. Nay ông đột ngột ta bỏ đi cũng thật khó mà dự liệu được là do kính thần sợ quỷ hay vì là đã có dã tâm muốn độc chiếm bảo vật của chúng ta. Theo thầy thì mấy người chúng ta có nên đi theo sự chỉ điểm của lão hay không?

Thầy Hữu băn khoăn một hồi, đúng là không thể không nghi hoặc cho người đàn ông bản địa về cái thứ gọi là lòng tham. Nhưng giữa nơi cô liêu độc quạnh như này, nếu như không tin tưởng vào sự mách bảo của ông ta thì chúng tôi cũng hết cách. Thầy Hữu quyết chí đánh liều một phen, ra dấu cho chúng tôi đi tiếp tục lên đường, mặc cho anh Thuận đã có phần can gián.

Đường càng vào sâu trong núi thì lại càng khó đi, cây cối chằng chịt đan xen khiến cho con người thật khó để xác định được phương hướng. Ba người chúng tôi đánh vật hơn nửa giờ đồng hồ trên đường thì anh Thuận bất ngờ dừng bước. Ngay cả thầy Hữu ở phía kế bên cũng không giấu đi được là sự bất ngờ. Hai người này mồ hôi vã ra như tắm, ánh mắt lo lắng đến tột cùng. Anh Thuận vì thấy sự rối ren mà liền nói sang với thầy Hữu, xem cách nói chuyện thì như thể đang gấp rút lắm,

-Lại về chỗ cũ rồi, ba người chúng ta chỉ đi thẳng không rẽ ngang rẽ dọc, sao lại có thể như vậy được. Thầy nên cân nhắc xem thế nào, liệu có phải ba người chúng ta bị ma dắt đường không?

Thầy Hữu hít một hơi thật sâu, giữa nơi hương rừng gió núi, con người ta thật sự rất cần hòa mình vào với non ngàn để phần nào trấn tĩnh trở lại. Đoạn thầy Hữu nói,

-Nơi này âm khí hưng vượng, cây cối lại um tùm rập rạp che phủ khắp cả bầu trời. Tiết khí như vậy thì việc gặp phải sự quỷ mị âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng vốn dĩ, những thứ âm tà này không thể xử lý một cách nhanh chóng được. Chi bằng, chúng ta cứ theo lời của thầy Hải, thắp sáng đôi đèn uyên ương lên, biết đâu lại có huyền cơ giúp qua được ải này.

Anh Thuận liền đồng tình với thầy Hữu, đoạn nhanh nhẹn lấy hai chiếc đèn cầy ra định đốt lên thì lập tức có sự lạ xảy đến. Phía trước, cách chúng tôi chỉ chừng vài mét, len lói qua những thân cây đại thụ, hình ảnh thấp thoáng của một cô bé mặc áo chàm thêu hoa trông rất đượm màu. Bên hông thì thắt một dải lụa xanh có đính kim tuyến trông thực bắt mắt. Nhìn trang phục và dáng vẻ của cô gái này thì hình như không phải là người ở dưới xuôi.

-Quái lạ, giữa nơi rừng núi biền biệt tự nhiên lại xuất hiện một cô bé. Trông bước đi và dáng vẻ của cô bé này thì hình như là đã quen với địa hình hiểm trở nơi đây.

Anh Thuận lẩm bẩm, chắc hẳn trong lòng anh ta cũng đang sinh ngờ vực giống tôi. Giữa cái nơi sơn cước hiếm người qua lại này bỗng dưng lại xuất hiện một cô bé, thực khó lòng để có thể tin được vào mắt mình. Chợt, có tiếng hát trong veo từ phía cô bé vọng lại, cái thứ âm sắc ấy cứ ngân lên trầm bổng tựa hồ như tiếng đàn cầm xa tít ở trên non ngàn.

-“ Nửa đêm giờ tý hiện hình, áo chàm hoa thắm đai xanh mỹ miều. Giận hài xảo, lưng đeo cung tiễn, hú ba quân tiến thẳng rừng sâu. Lệnh truyền Mán khắp mọi sơn đầu, nghe cô hạ lệnh rủ nhau mà về”

Mấy lời hát của cô bé thực khiến cho con người ta cảm thấy lòng mình tràn đầy nhuệ khí, trí lực trở nên sảng khoái khôn cùng. Riêng thầy Hữu thì vội vàng châm hương khấn lậy. Khấn rằng,

-Con xin cúi lậy cô bé Thượng Ngàn, người trần mắt thịt chúng con đã làm kinh động đến miền sơn thủy. Mong cô giá ngự tuần hành khuông phù cho chúng con được hanh thông thủy bộ, vượt đèo, lội suối, thỉnh uy thần kiếm, cứu họa sát thân.

Cô bé phía trước chỉ trong chớp mắt đã phi thân về tít xa. Thầy Hữu nhanh tay ra dấu cho chúng tôi chạy theo. Con đường rừng vốn dĩ lởm trởm trơn trượt là thế mà nay dễ đi đến kỳ lạ. Càng đi, càng thấy ánh trăng soi rõ tỏ tưởng, từng thảm cỏ đen tuyền trải dài dưới mặt đất như đang rẽ đường chào đón những người con của đất mẹ. Cái hương vị độc đáo của thứ gió núi mưa ngàn bốc lên phảng phất cuốn lấy con người ta nghe sao mà khoan khoái dễ chịu quá. Chúng tôi theo chân cô bé kì lạ đến một con nước thì mất dấu. Lúc này chỉ còn thấy thoang thoảng có tiếng ca nhè nhẹ rồi dứt hẳn,

-“Đường về chúa Bạch bao xa, cô đi hái trái thanh trà chín cây. Tiện đường cô đã về đây, về đền Bắc Lệ vui vầy suối khe”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.